Phát triển cà phê đặc sản được xem là một nhu cầu cấp bách và là chiến lược để giúp ngành hàng cà phê Việt Nam khai thác phân khúc thị trường mới. Đồng thời, cà phê đặc sản sẽ “dẫn dắt” ngành cà phê vào lộ trình nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên trường quốc tế
Làn sóng cà phê thứ 3
Theo Bộ Công Thương, thuật ngữ “cà phê đặc sản” có nguồn gốc từ Mỹ. Thuật ngữ đầu tiên này được sử dụng để mô tả các loại cà phê được bán trong các cửa hàng chuyên doanh cà phê, không phải là các loại được bán tại các siêu thị và các cửa hàng bán lẻ.
Cà phê đặc sản được coi là “làn sóng cà phê thứ 3” sau hai làn sóng là phổ thông hóa việc tiêu thụ cà phê và tiêu thụ các loại cà phê có chất lượng cao hơn. Nói cách khác, xu hướng tiêu thụ cà phê có vẻ như đang dịch chuyển dần về “chất” hơn là “lượng”.
Để được công nhận là cà phê đặc sản, sản phẩm đó phải đạt được ít nhất 80/100 điểm theo đánh giá của Hiệp hội Cà phê Đặc sản Thế giới (SCA), xét trên 10 tiêu chí về chất lượng và hương vị.
Theo số liệu mới nhất, 1kg hạt cà phê thượng hạng (đặc sản) đã rang có thể có giá từ 35-65 USD (tương đương 800.000 – 1.500.000 đồng), có loại còn lên tới 1.000 USD/kg như loại Geisha Panama.
Những ưu điểm của cà phê đặc sản
Cà phê đặc sản có ưu điểm hơn cà phê thương mại ở chính tên gọi của nó: Phải đạt các điều kiện sàng lọc của SCA (Hiệp Hội Cà Phê Đặc Sản Thế Giới) về chất lượng trong từng công đoạn. Từ khâu trồng trọt, sơ chế, rang, bảo quản cho đến pha chế. Còn cà Phê Thương Mại : Không có một tiêu chuẩn bất kỳ hay cụ thể gì về chất lượng.
Cà phê Đặc sản làm tôn lên những hương vị bản địa đặc sắc của từng vùng, có thể truy xuất nguồn gốc, những thông tin như giống, độ cao trồng, loại đất, canh tác, cách sơ chế, mức rang… đều rất quan trọng. Tính minh bạch của sản phẩm rất cao. Đối với cà phê Thương Mại, thông tin nguồn gốc của cà phê thường đơn giản hơn nhiều và chỉ có những thông tin cơ bản bởi tiêu dùng của thị phần này thường xem cà phê như một sản phẩm giải khát giữ tỉnh táo.
Làn sóng thứ ba “đặc biệt ưu ái” mức rang từ đậm vừa cho tới sáng. Bạn biết đấy, rang càng đậm, các hương vị nguyên bản của cà phê càng mất dần, nhường chỗ cho vị đắng như phong cách thưởng thức cũ. Rang của làn sóng thứ ba cũng được xem là một trường phái nghệ thuật riêng bởi sự ảnh hưởng của quá trình chuyển hóa hương vị của cà phê trong giai đoạn này. Cà phê Đặc sản ngon nhất khi được rang ở mức vừa và khi tươi mới
Ngoài ra cà phê đặc sản còn có những ưu điểm khác để các nhà sản xuất và buôn bán cà phê còn có thể khai thác như: cà phê đặ sản thích hợp với các quán cà phê thượng hạng, phục vụ các khách hàng không chỉ tìm đến hạt cà phê chất lượng cao mà còn là vì phong cách phục vụ của cửa hàng. Họ mong muốn có một trải nghiệm toàn diện và hoàn hảo cho việc thưởng thức.
Và ưu điểm cuối cùng: Nếu Cà Phê Thương Mại đóng vai trò “giữ ấm no”, thì Cà Phê Đặc Sản lại “giữ nhiệt huyết” cho chúng ta. Cà Phê Đặc Sản là một cột mốc để tất cả những người cùng tham gia vào khâu cung ứng cùng nhau phấn đấu hướng tới một tiêu chuẩn cao về chất lượng. Chung lý tưởng mang lại nền thịnh vượng cho văn hóa thưởng thức cà phê vượt ra khỏi ranh giới mưu sinh. Để hướng đem lại những giá trị cao đẹp nhất cho đời sống tinh thần. Giá trị đó dành cho tất cả, từ cả người sản xuất, người bán và đến cả người thụ hưởng.
Ưu điểm quyết định chiến lược cho tương lai ngành cà phê
Hiện cà phê Việt Nam đã tham gia rất sâu vào thị trường cà phê thế giới. Chúng ta liên tục là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ hai về sản lượng và đứng thứ nhất về cà phê Robusta. Nhưng mức độ nhận diện cà phê của người tiêu dùng toàn cầu về giá trị của cà phê Việt Nam chưa nhiều.
Thực tế trong nhiều thập niên qua, trên thị trường cà phê toàn cầu, cà phê Việt Nam chỉ có tiếng về sản lượng, chứ về chất lượng chưa được thừa nhận.
Trong khi đó, với những ưu điểm của mình, cà phê đặc sản có tác dụng dẫn dắt nâng cao cho chất lượng ngành cà phê, có thể định hình và đáp ứng được sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng của tín đồ cà phê toàn cầu. Vì vậy, việc chú trọng phát triển cà phê đặc sản để khẳng định chất lượng cà phê Việt Nam được xem là một nhu cầu cấp bách.
Hiện, thế giới đang thiếu hụt nguồn cung cà phê đặc sản. Trong khi đó, Việt Nam sở hữu thủ phủ cà phê Robusta đó là 5 tỉnh Tây Nguyên và cà phê Arabica ở Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị. Thay vì tập trung vào lượng lớn cà phê thương phẩm có chất lượng trung bình (comercial robusta) và cà phê Arabica, Việt Nam có thể thay đổi 10 – 30% sản lượng, tùy từng niên vụ, thành cà phê Robusta đặc sản (fine robusta) và cà phê Arabica. Điều này sẽ mở ra cơ hội nâng cao hình ảnh cà phê Việt Nam đồng thời cải thiện thu nhập cho bà con nông dân.
Để tiếp sức cho lộ trình nâng cao và khẳng định chất lượng cà phê Việt Nam trên thế giới, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030. Mục tiêu là phát triển cà phê đặc sản Việt Nam phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng nhu cầu cà phê đặc sản ngày càng tăng ở các thị trường xuất khẩu và nội địa, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.
“Theo Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, giai đoạn 2021 – 2025, diện tích cà phê đặc sản đạt 11.500 ha, chiếm khoảng 2% tổng diện tích cà phê; giai đoạn 2026 – 2030, tổng diện tích đạt gần 19.000 ha, chiếm khoảng 3% diện tích cà phê Việt Nam.
Cùng với việc phát triển sản xuất, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ bổ sung và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…”
Căn cứ vào địa hình, khí hậu, chất đất, cà phê đặc sản sẽ tập trung phát triển ở những vùng phù hợp với cà phê chè (Arabica) và cà phê vối (Robusta). Cụ thể: cà phê chè đặc sản sẽ trồng ở một số vùng thuộc các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị, Kon Tum, Lâm Đồng, với tổng diện tích đến năm 2030 là 11.620 ha; cà phê vối đặc sản sẽ được trồng chủ yếu ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và một phần diện tích ở Lâm Đồng, Kon Tum, với tổng diện tích là 7.340 ha.
Để đạt được kế hoạch đề ra, Bộ yêu cầu các địa phương tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong các khâu sản xuất và đẩy mạnh cơ khí hóa, tự động hóa trong chế biến; tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển cà phê đặc sản (từ người sản xuất, chế biến, thử nếm, chọn tạo cây giống…).
Đối với hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, Bộ yêu cầu phải đẩy mạnh việc cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê đặc sản cho các tác nhân trong chuỗi giá trị cà phê đặc sản. Đồng thời, tăng cường kết nối giữa người sản xuất và những nhà rang xay, chế biến, tiêu thụ cà phê đặc sản; xây dựng, phát triển thương hiệu cà phê đặc sản…