CÀ PHÊ ROBUSTA CỦA VIỆT NAM LÊN NGÔI TẠI NHẬT BẢN

0
448
Cà phê Khe Sanh - giấc mơ chinh phục cà phê đặc sản

Nhờ hương vị mạnh, thơm nồng và giá rẻ, cà phê robusta của Việt Nam đang thiết lập sự hiện diện vững chắc tại thị trường Nhật Bản, lên ngôi thay thế vị trí dẫn đầu của Brazil, nước đang xuất khẩu cà phê lớn nhất sang Nhật Bản.

Hầu hết cà phê của Việt Nam là loại robusta (hay còn gọi là cà phê vối), tương đối dễ trồng và có khả năng chống chịu sâu bệnh và thời tiết tốt hơn cà phê arabica của Brazil. Với hàm lượng cafein cao hơn, loại cà phê này đắng hơn một chút so với cà phê arabica.

Robusta là dòng cà phê nổi tiếng của Việt Nam trên thị trường thế giới vì hương vị Robusta trồng ở các vùng đất Việt Nam rất thơm ngon, đặc biệt và sản lượng cao. Tại Việt Nam, các vùng trồng cà phê Robusta nổi tiếng thơm ngon là Buôn Ma Thuột – Đăk Lăk, Lâm Hà – Lâm Đồng… Các chuyên gia cà phê trên thế giới đều công nhận cà phê Robusta Việt Nam là loại Robusta ngon nhất thế giới.

Trong những năm gần đây, Việt Nam không ngừng mở rộng diện tích trồng cà phê Robusta trên các vùng đất cao nguyên, nhằm biến dòng cà phê này trở thành cây trồng xuất khẩu mũi nhọn. Tại thị trường Nhật Bản, Robusta Việt Nam đã lên ngôi.

Vị thế của cà phê Robusta tại thị trường Nhật Bản

Tại Nhật Bản, cà phê robusta chủ yếu được sử dụng để sản xuất cà phê hòa tan và thường được bán theo gói đủ dùng cho một tách cà phê. Các hộ gia đình chỉ một hoặc hai thành viên ở Nhật Bản rất chuộng các gói cà phê hòa tan robusta.

Cà phê hòa tan phải có vị mạnh và đủ đắng để cân bằng với vị ngọt của kem và đường. Đó là lý do tại sao cà phê robusta hòa tan được người tiêu dùng Nhật Bản ưa thích hơn so với cà phê arabica hòa tan, theo nhận định của Ajinomoto AGF, đơn vị kinh doanh thực phẩm và nước giải khát của Tập đoàn Ajinomoto.

Theo ông Toyohide Nishino, Giám đốc Hiệp hội Thương mại công bằng cà phê toàn Nhật Bản, sự yêu chuộng của người tiêu dùng dành cho cà phê có hương vị ngon và giá rẻ đã giúp nâng cao thị phần cà phê robusta ở Nhật Bản.

Hơn nữa do tác động của đại dịch Covid-19, văn hóa thưởng thức cà phê tại Nhật Bản đang dịch chuyển có lợi cho cà phê Robusta.

Theo số liệu thống kê, khách hàng tại Nhật bắt đầu hình thành thói quen uống tại nhà thay vì sử dụng ở quán. Key Coffee, một nhà phân phối hạt cà phê lớn có trụ sở tại Tokyo, gần đây đã báo cáo doanh số bán các sản phẩm gia dụng tăng hơn 30%. Điều này có nghĩa sản lượng tiêu thụ các sản phẩm làm từ Robusta tăng lên.

Sự thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng Nhật Bản khi họ bắt đầu hình thành thói quen sử dụng cà phê Robusta do những sản phẩm từ loại cà phê này thích ứng với tác động của đại dịch Covid-19 cũng là yếu tố tác động đến sự trỗi dậy của cà phê Robusta tại Nhật Bản.

Câu chuyện lên ngôi của Robusta Việt Nam

Sự gần gũi về vị trí địa lý giúp cà phê robusta của Việt Nam có lợi thế ở thị trường Nhật Bản vì quãng đường vận chuyển cà phê từ Việt Nam sang Nhật Bản chỉ bằng một nửa so với cà phê arabica từ các nước Mỹ Latin.

Trong các nước sản xuất cà phê ở Đông Nam Á, Việt Nam là nước bảo đảm nguồn cung ổn định hơn cả nhờ sản lượng lớn.

Cà phê robusta của Việt Nam cũng đang thâm nhập tốt vào thị trường cà phê pha tại nhà ở Nhật Bản vì các nhà cung cấp dùng nó để trộn với cà phê arabica để giảm giá bán.

Tác động của triển vọng ảm đạm sản lượng cà phê toàn cầu trong dài hạn do biến đổi khí hậu cũng là một nguyên nhân khác. Khi nhiệt độ trái đất tăng lên, dẫn đến các vụ hạn hán gay gắt xảy ra thường xuyên hơn, cà phê arabica- sẽ trở nên khó trồng hơn dẫn đến nhu cầu về Robusta tại Nhật Bản tăng cao, kết hợp với các yếu tố nêu ở trên khiến cà phê Robusta Việt Nam lên ngôi ở Nhật Bản.

Năm 2017, Nhật Bản nhập khẩu 88.000 tấn cà phê chưa rang từ Việt Nam. Con số này tăng gấp 10 lần so với một thập kỷ trước đó. Trong 11 tháng đầu năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 94.000 tấn cà phê chưa rang sang Nhật Bản, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017. Trong cùng thời gian, khối lượng các sản phẩm cà phê Brazil xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 7% so với cùng kỳ năm 2017.

Năm 2020, khi Brazil là nước đang xuất khẩu cà phê hàng đầu vào Nhật Bản đã ghi nhận suy giảm 25% về khối lượng thì Việt Nam lại ghi nhận tăng 15%. Điều này đã khiến Việt Nam – nhà sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới – trở thành nhà cung cấp cà phê robusta lớn nhất sang Nhật Bản trong năm 2020, đẩy Brazil xuống vị trí thứ hai. Đó là một thời khắc của lịch sử.

(Nguồn: Tổng hợp)

Đọc thêm nhiều bài hay về cà phê tại đây :  https://vsca.vn/?lang=vi

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here