CÀ PHÊ SỮA ĐÁ “HỒN VIỆT” TRONG THƯỞNG THỨC
Chẳng phải tự nhiên mà cà phê sữa đá của Việt Nam lại được Bloomberg bình chọn trong top 10 thức uống ngon nhất thế giới. Bởi ẩn sau đó còn là một câu chuyện, một trái tim, một sự sáng tạo đằng sau những tách cà phê…
Ly cà phê “Latte kiểu Việt”
Cà phê sữa đá là món đồ uống quen thuộc hằng ngày với toàn bộ người dân Việt Nam. Nhiều người còn có thói quen mỗi buổi sáng phải có một ly cà phê sữa đá thì mới bắt đầu một ngày làm việc tỉnh táo và hứng khởi được. Đây là thức uống “gây nghiện” của nhiều thế hệ, đặc biệt là dân văn phòng.
Hạt cà phê đến Việt Nam theo dấu chân của người Pháp vào giữa thế kỷ 19. Nhờ thừa hưởng những điều kiện thuận lợi mà thiên nhiên ban tặng, Việt Nam ta là một quốc gia vô cùng phù hợp để phát triển tốt giống cà phê Robusta. Và từ lợi thế đó, Việt Nam đã đứng trong top đầu những nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất toàn cầu.

Cũng từ khi cây cà phê du nhập vào mảnh đất hình chữ S, người Việt đã biết cách pha chế chúng để tạo ra một thức uống tuyệt vời, nổi bật nhất phải kể đến cà phê sữa đá. Sự kết hợp hài hòa giữa vị đắng của cà phê, vị ngọt của sữa đặc thêm chút mát lạnh của đá đã chiếm được đông đảo tình cảm của thực khách trong và ngoài nước. Hương vị thơm ngon, dễ uống nhưng không hề mất đi đặc tính của cà phê mà ngược lại càng làm tôn thêm vị đắng khi mới uống và khi cảm nhận xong, ta lại thấy vị ngọt thoang thoảng để lại trong đầu lưỡi.
Cà phê sữa trong lòng Bắc -Nam
Miền Bắc chẳng gọi là cà phê sữa đá, mà họ gọi bằng cái tên thân thuộc: cà phê nâu. Sở dĩ họ gọi như vậy bởi cà phê đen kết hợp với lớp sữa béo ngọt tạo nên một màu nâu vô cùng bắt mắt. Dạo quanh các quán cà phê ở Hà Nội, không khó để bắt gặp những người trung niên cho đến những người lớn tuổi thưởng thức cà phê mỗi buổi sáng sớm. Ngồi bên đường, lắng đọng nghe tiếng xe cộ đi lại nơi phố cổ bên chiếc phin cà phê được nén chặt đang chảy từng giọt chậm rãi thật tao nhã làm sao! Chẳng vậy mà người ta thường nói, Hà Nội không vội được đâu!

Trái ngược với Hà Nội, Sài Gòn “bận rộn” hơn và phong cách uống cà phê của họ cũng vô cùng khác biệt, bởi ai ai cũng trong vòng quay hối hả, nhộn nhịp của cuộc sống thường ngày. Và cũng khác với Hà Nội, cà phê ở Sài Gòn được đông đảo tầng lớp yêu thích, từ học sinh, sinh viên, công nhân hay nhân viên văn phòng.
Người Sài Gòn thưởng thức cà phê ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời gian nào trong ngày, từ cà phê bệt cho đến những quán cà phê tĩnh lặng để học tập, tìm cảm hứng sáng tạo trong công việc. Vị cà phê Sài Gòn cũng ngọt hơn cà phê Hà Nội với hình thức phổ biến “Take away”. Và đôi khi, câu nói “Đi cà phê không?” còn như một lời mời “hẹn hò” để bắt đầu những câu chuyện của “chúng ta”.
Còn thủ phủ cà phê – cà phê Buôn Ma Thuột lại mang hương vị mạnh mẽ, nổi bật hơn hẳn so với cà phê Sài Gòn hay cà phê Hà Nội. Có lẽ vì đây là nơi trồng và sản xuất ra lượng cà phê lớn nhất cả nức nên người dân nơi đây sành cà phê hơn hẳn, họ có những gu uống vô cùng độc đáo như để khẳng định thương hiệu cá nhân. Họ uống cà phê hằng ngày, như một “bữa điểm tâm” không thể thay thế được. Và có lẽ, hương cà phê không chỉ thoang thoảng trên từng mảnh đất màu mỡ của họ mà còn thấm đẫm trong tâm hồn của chính những người dân nơi đây.
Từ lâu cà phê sữa đá Việt Nam đã được biết đến như một loại thức uống đặc biệt mà bất cứ du khách nào ghé thăm cũng phải thưởng thức. Bởi hương vị thơm ngon quyến rũ đọng lại nơi đầu lưỡi của cà phê sữa đá là vô cùng khác biệt, tạo dấu ấn riêng mà không một quốc gia nào có được.

Theo như mô tả của Bloomberg, thức uống tuyệt đỉnh này được làm từ cà phê rang xay pha chế bằng dụng cụ truyền thống mang tên phin cà phê. Nước cà phê sau khi chảy qua phin sẽ được thêm sữa và đá, tạo ra hương vị đậm đà, ngon tuyệt và xoa dịu cái đắng gắt từ cà phê truyền thống. Dừng chân đâu đó tại bất kỳ đường phố Sài Gòn – Hà Nội, không khó nhìn thấy các hàng cà phê, thậm chí là những xe cà phê lưu động bắt mắt. Càng không khó bắt gặp những người nước ngoài sinh sống, làm việc hay chỉ đi du lịch ở Việt Nam sang sảng gọi một ly cà phê sữa đá dù tiếng Việt nói chưa trọn một câu.
Nếu như mỗi quán phở tạo nên thương hiệu bằng thứ nước dùng thơm ngon, béo ngậy thì mỗi quán cà phê cũng sở hữu những bí kíp riêng để níu giữ thực khách. Từ thương hiệu cà phê nổi tiếng đến những quán cà phê vỉa hè đều tạo cho mình một công thức riêng biệt, độc đáo.
Có quán pha cà phê với sữa đặc. Có quán lại thêm chút kem béo, chút cốt dừa tạo hương vị thơm ngon. Có quán còn sáng tạo thêm cà phê trứng với vị thơm nồng đặc trưng mà ai ai thưởng thức cũng đều ấn tượng… Nhưng suy cho cùng, dù là cho thêm bất kỳ “gia vị” nào, thì thứ đọng lại trên đầu lưỡi thực khách vẫn là vị đắng và ngọt dịu của cà phê Việt Nam. Nó đậm đà, quyến rũ và tạo nên một “hơi thở” khác biệt so với những loại cà phê Ý mà giới trẻ thế giới tôn sùng.
Cuộc sống ngày càng hiện đại và du nhập từ nhiều quốc gia khác những hương vị cà phê khác nhau. Hay họ uống cà phê bằng sự tiện lợi và đa dạng của cà phê gói. Nhưng tôi tin chắc rằng, dù là cà phê hòa tan, cà phê mocha, latte hay cappuccino… thì cũng khó lòng mà vượt qua được hương vị đậm đà, khác biệt của phin cà phê sữa đá đậm chất Việt.
Nguồn: Tổng hợp
Khám phá nét đẹp văn hóa cà phê Việt Nam tại đây: https://vsca.vn/category/ca-phe-viet-nam/?lang=vi