Cà phê trong văn hóa Tô – ly – điếu – tờ của người Sài Gòn

0
699
“Tô - Ly - Điếu - Tờ” - Nét văn hóa một thời của người Sài Gòn
“Tô - Ly - Điếu - Tờ” - Nét văn hóa một thời của người Sài Gòn

Một thời, “Tô – Ly – Điếu – Tờ” chính là thói quen mỗi buổi sáng của người Sài Gòn, nhưng hiện nay, người ta đã dần quên đi nét văn hóa này, chỉ còn mỗi ly cà phê và chiếc điện thoại trên tay.

Văn hóa Tô – Ly – Điếu – Tờ

“Tô – ly – điếu – tờ” tức là một tô bún, một ly cà phê, một điếu thuốc lá và một tờ báo trên tay, đây là thói quen có từ rất lâu của người Sài Gòn vào mỗi buổi sáng. Thời đó, tin tức thiếu thốn, người ta chỉ có thể cập nhật thông tin qua mỗi tờ báo buổi sáng, hoặc truyền miệng các thông tin cho nhau ở nơi công cộng, cho nên khi đó, thói quen buổi sáng của người Sài Gòn chính là tô – ly – điếu – tờ, thiếu một thứ cũng khiến người ta bứt rứt khó chịu.

“Tô - Ly - Điếu - Tờ” - Nét văn hóa một thời của người Sài Gòn
“Tô – Ly – Điếu – Tờ” – Nét văn hóa một thời của người Sài Gòn

Hiện nay, tô bún được thay thế bằng những món ăn khác như cơm tấm, mì, cháo, xôi… thuốc lá cũng ít người hút và thay vì cầm báo thì người ta chuyển qua cầm điện thoại. Tuy nhiên, ly cà phê vẫn ở đó, vẹn nguyên như thuở ban đầu.

Với người Sài Gòn, cà phê là thức uống quen thuộc để khởi đầu một ngày mới. Người nghiện cà phê có thể uống từ 2 đến 3 cốc cà phê mỗi ngày. Đi chơi, uống nước, hay gặp bạn bè ôn chuyện, người ta cũng thường quen miệng nhắn nhau “cà phê nhé!”. Thế mới thấy, từ sâu trong tiềm thức của mỗi người, cà phê đã trở thành thói quen, thành văn hóa và thành thứ thức uống đầu tiên mà họ nhớ đến.

Nhiều người bạn nước ngoài khi đến Việt Nam đều rất ngạc nhiên khi thưởng thức cà phê Việt. Bởi lẽ cà phê của người Việt có hương vị rất riêng, mang phong cách phóng khoáng của người miền Nam hoặc sự tinh tế, đậm đà của người miền Bắc. Ban đầu, họ có thể sẽ không quen uống ly cà phê sữa đá tại quán cà phê bệt, cà phê vỉa hè, bởi vị sữa quá ngọt, hoặc cũng có thể do cà phê quá đậm, uống một ngụm đã say. Nhưng lâu dần, họ lại nghiện thứ thức uống này, ngày nào không uống đều cảm thấy thiếu đi chút sức sống.

Nhiều người nước ngoài bị nghiện cà phê Việt Nam sau khi đến đây
Nhiều người nước ngoài bị nghiện cà phê Việt Nam sau khi đến đây

Thức uống du nhập đến văn hóa cà phê

Vào thế kỷ XIX, khi cà phê mới du nhập vào Việt Nam, người ta vẫn xem cà phê như thứ thức uống xa xỉ phẩm. Người Pháp nắm công thức pha cà phê và chỉ phục vụ thức uống này ở những nơi sang trọng. Tuy nhiên, bước sang thế kỷ XX, người Việt Nam đã bắt đầu làm chủ được quy trình sản xuất, chế biến và pha chế cà phê. Từ đây, cà phê dần trở thành đồ uống phổ thông, ai cũng có thể thưởng thức.

Đến thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành quốc gia có nền văn hóa cà phê bậc nhất thế giới, là quốc gia đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê (sau Brazil), đặc biệt, không thể phủ nhận một điều, người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, ngày càng sáng tạo ra nhiều cách uống cà phê mới lạ, độc đáo và mang nét văn hóa riêng của vùng miền.

Chỉ với cà phê, người Việt đã có hàng trăm cách chế biến khác nhau, tùy theo khẩu vị, thời tiết, thời gian và đặc trưng của mỗi vùng miền.

Điển hình như người Hà Nội thích uống cà phê vào buổi tối, cho nên họ thường pha cà phê loãng hơn ở Sài Gòn. Hoặc vào mùa đông, người Hà Nội cũng hay pha cà phê phin, uống nóng. Với người Hà Nội, thứ cà phê đặc trưng được yêu thích nhất chính là cà phê trứng.

Trong khi đó, người Sài Gòn thì thích uống cà phê sữa đá hoặc đen đá. Họ thích pha cà phê vợt hoặc cà phê máy (cho nhanh) để phù hợp với sự vội vã của người lao động miền Nam. Người Sài Gòn cũng sẽ thích uống bạc xỉu hoặc cà phê mang đi hơn so với cà phê pha phin.

Cà phê sữa đá – Thức uống đặc trưng của người Việt
Cà phê sữa đá – Thức uống đặc trưng của người Việt

Cà phê của riêng người Việt

Ngày nay, cà phê không còn đơn thuần là thức uống trong văn hóa “Tô – ly – điếu – tờ” của người Sài Gòn, mà đã trở thành nét văn hóa riêng biệt, cũng trở thành cơ hội khởi nghiệp của biết bao người.

Nói cách khác, ở thế kỷ 19, nhắc đến cà phê, người ta đơn thuần chỉ nghĩ đến một thứ thức uống. Nhưng hiện tại, nhắc đến cà phê, người ta sẽ nhớ đến vô vàn những điều khác nhau, như: Đi gặp gỡ, uống nước; địa điểm đẹp; cơ hội khởi nghiệp, kinh doanh; câu chuyện làm giàu; doanh nhân cà phê…

Như vậy, chỉ đơn giản một từ khóa “cà phê”, con người ta đã nghĩ đến rất nhiều chuyện khác nhau, đây là điều rất ít thứ thức uống khác có thể có được. Điều này càng khẳng định sự yêu thích của những người yêu mến cà phê đối với thứ thức uống này. Họ đã tạo nên một cộng đồng văn hóa, kinh doanh… chỉ với cà phê.

Đến với bất cứ quán cà phê, nước uống nào, chúng ta cũng có thể choáng ngợp với danh sách hàng trăm thức uống khác nhau (pha chế từ cà phê) trong menu. Những danh xưng mới dần xuất hiện trong từ điển như: Cà phê vợt (cà phê kho), cà phê trứng, cà phê cốt dừa, cà phê sữa chua, cà phê bạc xỉu…

Và… văn hóa cà phê Việt sẽ còn tiếp tục phát triển, chừng nào người Việt còn nghiện cà phê, chừng đó sẽ còn xuất hiện thêm những cái tên mới trong danh sách thức uống cà phê, mang theo những nét văn hóa riêng biệt của từng vùng miền.

(Nguồn: Tham khảo)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here