CÀ PHÊ VIỆT NAM – NHỮNG DÒNG CHẢY TỰ HÀO VÀ KHÁT VỌNG CHINH PHỤC THẾ GIỚI (PHẦN 2)
Làn sóng cà phê thứ ba – Thổi bùng niềm tự hào dân tộc
Tiềm năng của ngành cà phê Việt Nam ngay sau khi đất nước Đổi mới thực sự rất lớn, nhưng làm sao có thể vừa giải được bài toán định kiến tiêu cực về quán cà phê, sự nhập nhèm trong sản xuất kinh doanh của một số tiểu thương, vừa có thể khai thác được những nét đẹp văn hóa trong thưởng thức cà phê mà người Việt Nam đã có từ hơn trăm năm qua? Hai vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã cùng nhau xây dựng một chiến lược khai phá thị trường thật độc đáo.
Xuất hiện đầu tiên tại TP.HCM vào tháng 8/1998 với gam màu đỏ bazan của vùng đất cao nguyên và âm điệu du dương của slogan “Khơi nguồn sáng tạo”, Trung Nguyên nổi lên như một hiện tượng trên thị trường cà phê Việt Nam bằng sự đón nhận nhiệt tình và nhanh chóng của người tiêu dùng. Đây là cuộc xâm nhập thị trường ngoạn mục nhất trong lịch sử xây dựng thương hiệu Việt Nam. Chỉ trong vòng 5 năm, từ một cơ sở sản xuất nhỏ ở Buôn Ma Thuột, Trung Nguyên đã có mặt tại mọi miền đất nước làm nên trào lưu cà phê thứ ba tại Việt Nam.
Ngày 20/8/1998, cơn sốt trên thị trường cà phê bùng nổ khi quán cà phê Trung Nguyên đầu tiên tại Nguyễn Kiệm (Gò Vấp, TP.HCM) ra đời với chiêu thị phục vụ cà phê miễn phí trong 7 ngày. Hàng ngàn lượt khác vào ra đông nườm nượp, ai cũng khen cà phê ngon đậm đà mà từ trước đến nay họ chưa từng thử qua. Sau chương trình đó, quán tiếp đón khách đến uống cà phê mỗi ngày một đông.
Trên đà thành công, Trung Nguyên tiếp tục mở quán thứ hai ở góc ngã tư Pasteur – Điện Biên Phủ. Vào thời điểm đó, đây là một trong những quán cà phê hiện đại, có không gian đẹp để tận hưởng cà phê ngon thuộc hàng đầu tiên ở Sài Gòn, gần như tạo nên một hiện tượng trong giới sành cà phê.

Việc phát triển chuỗi quá café Trung Nguyên tại TP.HCM trong khoảng 1998-1999 được xem như sự bùng nổ của những hạt cà phê. Thời điểm đó, Trung Nguyên mọc lên rất nhanh tại những vị trí đắc địa, ngay các vòng xoay, các ngã ba ngã tư của thành phố. Với chiến lược “tam giác” – cứ 2 quán gần nhau sẽ tạo thêm quán thứ ba để thành 1 tam giác, và từ tam giác thứ nhất đó, chỉ cần thêm điểm kế tiếp sẽ tạo thành tam giác thứ hai – cứ thế, Trung Nguyên gợi cảm giác được mọc lên chỉ trong 1 đêm. Suốt 1 năm như vậy, hơn 500 quán cà phê Trung Nguyên được thành hình, đi đâu cũng thấy. Cả Sài Gòn như được khoác chiếc áo mới, trông văn minh, lịch sự hẳn lên, phá tan định kiến “quán cà phê là quán đèn mờ, chỉ có ôm ấp” từ những năm tháng bao cấp để lại. Hòa chung với sự phát triển kinh tế thị trường của đất nước, cà phê Trung Nguyên đã tạo nên làn sóng thứ ba và thực sự tạo nên huyền thoại cho ngành cà phê Việt Nam khi xuất khẩu tới hơn 80 thị trường trên thế giới, góp phần đưa Việt Nam từ quốc gia lạc hậu trên bản đồ nông nghiệp thế giới trở thành cường quốc thứ 2 về xuất khẩu cà phê.
Thương hiệu Quốc gia với những điều “đầu tiên”
Nhìn thấy thị trường cà phê còn đang bỏ ngõ, các quán cà phê chủ yếu mang tính chất gia đình, nguồn cung cấp cũng không rõ ràng, không mang tính hệ thống và hầu như không có chiến lược phát triển dài hạn, Trung Nguyên xác định đây chính là cơ hội lớn của mình để làm nên bước ngoặt mới cho thị trường cà phê Việt Nam: Trung Nguyên là thương hiệu Việt Nam đầu tiên được xây dựng và quản lý một cách bài bản; Trung Nguyên cũng là thương hiệu Việt Nam thực hiện chiến lược nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam và vươn ra thế giới.
Chính hai chữ “đầu tiên” đó đã tạo nên sức nóng cho hàng trăm bài báo viết về sự ra đời và lớn mạnh của thương hiệu này.

Chỉ 6 tháng kể từ ngày ra mắt quán cà phê đầu tiên, cái tên Trung Nguyên đã phát triển hơn cả một doanh nghiệp có thâm niên 20 năm tại thành phố Buôn Mê. Sự đón nhận nhiệt tình và nhanh chóng của người tiêu dùng đã tạo nên một hiện tượng Trung Nguyên trên mảnh đất Sài Gòn năng động và đầy cạnh tranh.
Trung Nguyên duy trì sự phát triển ấy bằng “Tam giác chiến lược” – cứ một quán thì mở thêm hai quán liền kề để tạo thành một tam giác – tạo cho người tiêu dùng cảm giác Trung Nguyên đang phủ kín toàn bộ các đường phố ở Sài Gòn. Hàng ngàn tam giác chiến lược ấy ra đời tạo nên cuộc xâm nhập thị trường ngoạn mục nhất trong lịch sử xây dựng thương hiệu Việt Nam. Chỉ trong vòng 2 năm, Trung Nguyên đã có khoảng 1,000 quán khắp Việt Nam.
Đầu tư xây dựng hình ảnh nhận diện, xây dựng hệ thống quán đồng bộ, Trung Nguyên đã tạo nên một diện mạo, một cách thưởng thức cà phê hoàn toàn khác và mới lạ, đáp ứng đúng tâm lý thưởng thức cà phê của khách hàng. Vị trí đẹp và chiến lược, thức uống ngon, độc đáo và mới lạ, không gian sang trọng, sáng tạo mang lại cho khách hàng sự tiện nghi, thoải mái, đẳng cấp với mức giá hợp lý.
Định vị trở thành thương hiệu cà phê số 1 Việt Nam, Trung Nguyên mang đến nhiều dòng sản phẩm chất lượng, gọi tên bằng số, phối trộn những loại cà phê khác nhau, khách hàng có nhiều cơ hội để lựa chọn và thưởng thức đa dạng các loại cà phê. Họ tự lựa chọn loại cà phê phù hợp và xay tại chỗ, tạo cảm giác về một sản phẩm nguyên chất và ngon.
Trung Nguyên cũng là thương hiệu Việt Nam đầu tiên phục vụ cà phê “pha máy” để pha chế những loại cà phê phổ biến ở nước ngoài như expresso, cappuccino, latte…
Không chỉ dừng lại ở phát triển sản phẩm và xây dựng chuỗi quán nội địa, từ những năm 2000, trong khi ông Vũ tập trung phát triển thương hiệu và xây dựng hình ảnh trong nước thì bà Thảo bắt đầu đem cà phê Việt Nam đi giới thiệu khắp thế giới. Tuy Việt Nam có sản lượng xuất khẩu robusta hàng đầu thế giới, nhưng rất nhiều người vẫn còn hiểu sai về nông sản tinh túy này của Việt Nam, thậm chí họ còn tưởng Việt Nam vẫn còn chiến tranh nên ngại ngần giao thương, ký kết. Cà phê Việt Nam khi ấy vẫn như một cô gái đẹp ẩn mình không tên tuổi. Vì thế, suốt từ những năm 2000 cho tới nay, bà Diệp Thảo cứ miệt mài chinh phục từng thị trường lớn, từ Đông Nam Á, Bắc Á, cho tới châu Mỹ, châu Âu, Trung Đông… với mục tiêu hàng đầu: Đem cà phê Việt ra thế giới, đem ngoại tệ từ thế giới về xây dựng quê hương.
Năm 2000, thương hiệu này đánh dấu sự vươn mình ra thế giới với chiến lược nhượng quyền kinh doanh lần đầu tiên tại Singapore.
Năm 2004, công ty tiến vào thị trường Nhật Bản dưới hình thức nhượng quyền kinh doanh. Hai quán Trung Nguyên ra đời tại thủ đô Tokyo đã tạo dấu ấn đặc biệt cho cà phê Việt Nam trong lòng người dân Nhật Bản.
Tham khảo thêm các bài về cà phê ở làn sóng thứ 1,2: https://vsca.vn/ca-phe-viet-nam-nhung-dong-chay-tu-hao-va-khat-vong-chinh-phuc-the-gioi/?lang=vi
Và những tin về cà phê toàn cầu: https://vsca.vn/category/ca-phe-toan-cau/?lang=vi