Gia Lai thúc đẩy gia tăng giá trị từ cà phê đặc sản
Đạt kim ngạch xuất khẩu 338 triệu USD trong tổng giá trị xuất khẩu trị giá 420 triệu USD, cà phê trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Gia Lai trong 8 tháng năm nay. Địa phương kỳ vọng cà phê cũng như các mặt hàng nông sản khác tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khả quan những tháng còn lại năm 2023
Bội thu từ mặt hàng cà phê nhân xô
Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Gia Lai, ngoài các mặt hàng như trái cây chế biến, mủ cao su, vật tư… có mức tăng trưởng tương đương cùng kỳ, cà phê được ghi nhận là mặt hàng xuất khẩu chính với sản lượng 165 nghìn tấn từ đầu năm tới nay. Nguyên nhân do nhu cầu tiêu dùng thị trường thế giới tăng, nhất là kỳ nghỉ đông và Tết Dương lịch tại một số nước khu vực EU, Mỹ… nên đã thúc đẩy sản lượng hàng xuất khẩu vào các thị trường này.

Đại diện Sở Công thương tỉnh cho hay, việc thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cà phê luôn được chính quyền, các ngành chức năng và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn quan tâm. Đáng nói, cà phê được mùa bội thu do giá cà phê nhân xô trên thị trường Tây Nguyên từ tháng 6.2023 đã vượt ngưỡng 61.000 đồng/kg, trên thị trường quốc tế đạt bình quân 2.300 – 2.400 USD/tấn (tăng hơn 10% so cùng kỳ 2022). Đây được xem là mức tăng cao nhất của mặt hàng này kể từ năm 2011.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc xuất khẩu cà phê nhân xô hiện nay vẫn chiếm tỷ trọng lớn cũng đòi hỏi ngành cà phê Gia Lai triển khai những giải pháp mạnh mẽ hơn, thúc đẩy tái cơ cấu ngành cà phê, tạo sức cạnh tranh hơn nữa. Đơn cử như tăng cường áp dụng tiến bộ công nghệ để duy trì nguồn hàng cà phê qua chế biến bảo đảm ổn định về chất lượng và số lượng, hay như thúc đẩy nhận diện thương hiệu cà phê đặc sản đối với các đầu mối tiêu thụ cà phê toàn cầu.
Mới đây, sản phẩm cà phê Gia Lai cũng đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) lựa chọn tham gia Dự án thí điểm “Xây dựng chiến lược thương hiệu và tiếp thị dành cho các nhà sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Việt Nam“. Đây sẽ là cơ hội để sản phẩm cà phê chất lượng cao của Gia Lai có thêm những điều kiện thuận lợi tiến bước vững chắc, mạnh mẽ trên thị trường thế giới.
Thúc đẩy gia tăng giá trị từ cà phê đặc sản
Là 1 trong 8 địa phương triển khai đề án phát triển cà phê đặc sản giai đoạn 2021 – 2030, Gia Lai đang thúc đẩy nhiều giải pháp phát triển mặt hàng cà phê giá trị cao, được xem là hướng đi triển vọng và bền vững của địa phương giai đoạn đến năm 2030.
Mục tiêu đến năm 2025, Gia Lai sẽ phát triển diện tích cà phê đặc sản khoảng 1.200ha, bằng 1,2% diện tích cà phê toàn tỉnh. Đến giai đoạn 2026 – 2030, phát triển diện tích cà phê đặc sản khoảng 2.300ha, bằng 2,4% diện tích cà phê toàn tỉnh. Đến năm 2025, phấn đấu có trên 1.000ha cà phê Robusta đặc sản với sản lượng khoảng 620 tấn. Năm 2030, diện tích này đạt khoảng 2.300ha, sản lượng đạt khoảng 1.700 tấn.
Trước mắt, Gia Lai tập trung nâng cao chất lượng, giá trị cà phê thông qua đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, hướng tới thị trường xuất khẩu. Đồng thời phát triển vùng nguyên liệu cà phê sạch được địa phương quan tâm, chú trọng nhằm hướng tới xây dựng thương hiệu cà phê, văn hóa trồng cà phê. Người trồng cà phê phải minh chứng vùng nguyên liệu, tập trung canh tác hữu cơ, canh tác sạch, bảo vệ môi trường.
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn hưởng ứng, chú trọng đầu tư xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến cà phê bền vững và một phần sản phẩm cà phê đặc sản nhằm thâm nhập vào các thị trường tiềm năng trong nước và xuất khẩu. Điển hình như cà phê Thu Hà, Tamba, Classic Coffee, L’amant Café…
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Gia Lai đã triển khai “Hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh“; hoàn thiện hệ thống kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia và các hệ thống truy xuất nguồn gốc; đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Gia Lai” cho sản phẩm cà phê; xây dựng và chuyển giao mô hình liên kết trong sản xuất cà phê và hồ tiêu; xây dựng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm cà phê…
Sở Công thương tỉnh cũng đã triển khai kế hoạch thực hiện “Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản”; tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại; thực hiện đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2024”. Sở Công thương Gia Lai cũng đã phối hợp với Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng triển khai thực hiện đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin thị trường, tìm kiếm nguồn hàng đảm bảo chất lượng, nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cung cấp thị trường.
Nhiều sản phẩm chất lượng đến từ các địa phương của Gia Lai đã tham gia gian hàng trưng bày các sản phẩm tiêu biểu trong khuôn khổ các hội nghị vùng tổ chức tại Lâm Đồng, Đà Nẵng… Đại diện UBND tỉnh cho hay, với những giải pháp quyết liệt như hiện nay, Gia Lai kỳ vọng đóng góp đáng kể vào mục tiêu đạt kim ngạch 4 tỷ USD xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong năm 2023.