KHÁT VỌNG VỀ MỘT THỦ PHỦ CÀ PHÊ TẠI BUÔN MA THUỘT
Cà phê Buôn Ma Thuột luôn được đánh giá là có chất lượng cao nhất và có hương vị đặc trưng nhất, được giới hâm mộ và các nhà rang xay cà phê đánh giá cao, là nền tảng để hiện thực hóa khát vọng đưa Buôn Ma Thuột trở thành Thủ phủ cà phê toàn cầu.
Cây cà phê – linh hồn của vùng đất Buôn Ma Thuột
Cà phê Buôn Ma Thuột là một trong những thương hiệu nổi tiếng của cà phê Việt Nam được trồng trên cao nguyên Buôn Ma Thuột, một cao nguyên thuộc vùng Tây Nguyên Việt Nam. Những năm 1930 cà phê được trồng trong những đồn điền của người Pháp – Buôn Ma Thuột. Thương hiệu cà phê này đã đi vào văn hoá với bài hát Ly cà phê Ban mê.
Tại tỉnh Đắk Lắk hầu hết tất cả các huyện đều trồng cà phê, nhưng cà phê Buôn Ma Thuột luôn được đánh giá là có chất lượng cao nhất và có hương vị đặc trưng nhất, được giới hâm mộ và các nhà rang xay cà phê đánh giá cao. Cây cà phê chiếm giữ một vị trí độc tôn, không loại cây trồng nào sánh được trên vùng cao nguyên đất đỏ bazan này. Trong cơ cấu cây trồng ở Buôn Ma Thuột, có đủ các loài cà phê như: cà phê chè, cà phê vối, cà phê mít nhưng được trồng rộng rãi nhất là cà phê vối.
Cây cà phê đã góp phần đưa Buôn Ma Thuột từ vị trí một thị xã tỉnh lẻ cao nguyên trở thành một thành phố sầm uất. Cây cà phê trước kia có thể được coi là cây xóa đói giảm nghèo ở Buôn Ma Thuột. Ngày trước, cây cà phê chỉ được trồng trong các đồn điền của người Pháp, sau đó được mở rộng thành các nông trường. Vào thời Bao cấp, chỉ cần đem được vài chục ký cà phê xuống đồng bằng bán là đủ tiền xe và ăn chơi thoải mái vài ngày. Trước món lợi như vậy, nhiều người đã mạnh dạn trồng trong vườn nhà vườn rẫy. Diện tích cà phê không bao lâu đã tăng nhanh chóng.
Ở Buôn Ma Thuột không chỉ việc trồng cà phê là phổ biến mà việc uống cà phê cũng trở nên quen thuộc với một số người như nhu cầu ăn cơm, uống nước. Vì vậy, chỉ tính riêng khu vực nội thành, các quán cà phê nhiều đến nỗi nếu mỗi ngày chỉ vào một quán thôi thì cũng phải mất cả năm mới đi giáp một vòng. Các quán cà phê ở Buôn Ma Thuột hầu hết đều được đầu tư rất lớn và có phong cách riêng để thu hút khách.
Khát vọng về một Thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột
Du lịch là ngành kinh tế không khói năng động nhất và tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới hiện nay. 10 năm trở lại đây du lịch sinh thái đang trỗi dậy trên toàn cầu, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay. So về địa thế, cảnh quan môi sinh, giá trị di tích văn hóa, lịch sử, nghệ thuật… thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) hoàn toàn có lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh bền vững. Buôn Ma Thuột là trung tâm của đại ngàn Tây nguyên.
Trong Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, nơi đây được biết đến là địa bàn của hai nước Thủy Xá – Hỏa Xá, cội nguồn của người Ê đê, M’nông, Gia Rai. Sự tồn tại của đồng bào các dân tộc mang đậm văn hóa sử thi, văn hóa luật tục, văn hóa cộng đồng độc đáo đã tạo dựng nên một nền văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng, với những di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể độc đáo và đồ sộ. Có thể kể đến như văn hóa rừng rẫy, lễ hội nhà dài, không gian văn hóa cồng chiêng (được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa nhân loại)…
Đặc biệt, Buôn Ma Thuột còn là thành phố hạt nhân của vùng nguyên liệu cà phê nổi tiếng thế giới, nơi sản sinh hạt cà phê Robusta thơm ngon, được cộng đồng đam mê cà phê toàn cầu ưa chuộng. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển sang nền kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo và châu Á đang là khu vực thu hút cộng đồng quốc tế trải nghiệm du lịch sinh thái, Buôn Ma Thuột có thể dựa vào thế mạnh của ngành cà phê – năng lượng chủ đạo của kinh tế tri thức để xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành thủ phủ cà phê và đưa Đắk Lắk trở thành điểm đến của cà phê thế giới.
Có thể xem đây như là bản phác họa cho khát vọng đưa Buôn Ma Thuột trở thành thủ phủ kinh tế – văn hóa cà phê vượt ra ngoài ranh giới quốc gia. Đưa Việt Nam phát triển không chỉ là cường quốc sản xuất cà phê mà còn là nơi phát huy những giá trị văn hóa, xã hội từ việc tạo nên thương hiệu cà phê chất lượng cao, nơi hội tụ nghệ thuật chế biến, thưởng lãm cà phê toàn cầu, không gian hòa hợp của rừng già – đồn điền và các khu phố cà phê hình mẫu nhằm quy tụ cộng đồng hàng tỉ người yêu và đam mê cà phê trên toàn cầu hướng về.
Nguồn: Sưu tầm