KHI BƯU ĐIỆN TRUNG QUỐC CŨNG BÁN CÀ PHÊ

0
454
Bưu điện Trung Quốc lấn sân sang thị trường cà phê khiến nhiều ông lớn trong ngành phải e dè.

Từ đầu năm 2022, những ông lớn trong ngành cà phê trên thế giới đều khá bất ngờ và e dè khi thị trường cà phê Trung Quốc xuất hiện đối thủ mới: Bưu điện Trung Quốc.

Bất ngờ lấn sân

Đúng vậy, bạn không đọc nhầm đâu! Bưu điện Trung Quốc (China Post), cơ quan điều hành dịch vụ bưu chính viễn thông trực thuộc chính phủ đất nước tỷ dân, đã bất ngờ lấn sân sang kinh doanh café vào tháng 2/2022. Nghe có vẻ bình thường, nhưng tiềm lực của Bưu điện Trung Quốc đã và đang khiến rất nhiều thương hiệu quốc tế phải ái ngại thực sự.

Cụ thể, China Post đã mở cửa hàng cafe chính thức đầu tiên tại thành phố Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc).

“Bưu điện Trung Quốc có lợi thế rất lớn khi chuyển sang kinh doanh cafe, bởi họ dễ dàng tận dụng mạng lưới chi nhánh bưu điện khổng lồ của mình trên toàn quốc,” trích lời Zhou Shiyu, viên chức cấp cao tại Shanghai Join Buy – một trong những công ty chuyên về bất động sản thương mại lớn nhất Thượng Hải. “Tuy nhiên, đây vẫn là một thách thức không nhỏ với họ, nhất là các công đoạn xây dựng thương hiệu, marketing và chuỗi cung ứng cafe.”

China Post chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về quyết định này. Một viên chức thuộc China Post cũng cho biết họ chưa thể xác nhận có chính thức bước chân vào ngành cafe hay không.

H1- Buu-dien-trung-quoc-ban-cafe
Bưu điện Trung Quốc lấn sân sang thị trường cà phê khiến nhiều ông lớn trong ngành phải e dè.

Hiện tại, China Post sở hữu 54.000 chi nhánh bưu điện trên toàn quốc, rải khắp các khu vực nội thành sầm uất cho tới ngoại ô. Tính riêng về quy mô mạng lưới kinh doanh, con số khổng lồ 54.000 trên có thể đè bẹp bất kỳ đối thủ nào.

Trở thành đối thủ đáng gờm

Trên thực tế, Bưu điện Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm thị trường từ tháng 9/2021, với động thái tích hợp bán cafe tại một bưu điện trên đường Tianping, quận Xuhui (Thượng Hải). Tần suất bán hàng vào một buổi chiều thứ Ba trong tuần được ghi nhận là 20 cốc trong 20 phút, tức 1 cốc/phút, với giá thành trung bình từ 20 – 30 NDT/cốc (tương đương 70.000 – 110.000 VND). Một khách hàng mua cafe tại đây cho biết địa điểm của quán rất thuận lợi, hình thức trang trí đẹp và hương vị cũng ngon nữa.

“Một điều cần chú ý về thế hệ khách hàng trẻ uống cafe hiện nay là họ thường chọn lọc rất kỹ,” chia sẻ bởi Eric Han, quản lý tại công ty cố vấn doanh nghiệp Suolei (Thượng Hải). “Họ sẵn sàng thử các thương hiệu mới lạ, kể cả là cafe bán trong bưu điện, nhưng sẽ không bao giờ quay lại nếu chất lượng hương vị không tốt”.

Thói quen uống cafe hiện nay được coi như một cách để thể hiện địa vị và phong cách sống, vốn là một thông điệp được các hãng cafe quốc tế nổi tiếng PR rất mạnh tại Trung Quốc. Tầng lớp trung lưu ở quốc gia này cũng ngày một đông đảo, góp phần tạo nên lượng nhu cầu về cafe ngày một tăng cao.

H2-Buu-dien-trung-quoc-ban-cafe
Giới trẻ Trung Quốc thích được check-in ở những địa điểm độc – lạ – mới.

Theo một nghiên cứu thực hiện bởi Jiemian News vào tháng 9/2021, giá trị sản xuất và tiêu dùng của ngành hàng thương mại cafe tại Trung Quốc có thể đạt 1 nghìn tỷ NDT vào năm 2025 (tương đương hơn 158 tỷ USD). Họ cũng dự đoán các thương hiệu cà phê lớn của nước ngoài tuy vẫn có vị thế mạnh mẽ tại Trung Quốc nhưng chắc chắn cũng sẽ phải dè chừng sự trỗi dậy của các thương hiệu nội địa.

Đồn cảnh sát cũng bán cà phê

Với thị trường cà phê đầy tiềm năng, không chỉ Bưu điện mà ngay cả đồn cảnh sát của Trung Quốc cũng đã bắt đầu bán cà phê. Cụ thể, không lâu sau khi Bưu điện Trung Quốc mở bán cà phê, thì một quán cà phê mới cũng xuất hiện đầy bất ngờ trong sân của đồn cảnh sát ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.

Quán có tên tiếng Trung là “Kafei Peini” có nghĩa đen là “cà phê đồng hành cùng bạn”. Khách hàng của quán bao gồm cả cảnh sát lẫn người dân địa phương. Họ có thể vừa trò chuyện vừa thưởng ngoạn quang cảnh khu vườn ngoài trời trong đồn cảnh sát và thậm chí dành thời gian bên gia đình vì quán có khu vực sinh hoạt dành cho phụ huynh và trẻ em. Một cư dân mạng thậm chí đã nói đùa rằng: “Bạn sẽ không cần phải bị bắt để được uống cà phê trong đồn cảnh sát”.

Đồn cảnh sát Củng Thự cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ xây dựng một nơi ấm áp và vui vẻ cho các sĩ quan cảnh sát của chúng tôi. Bằng cách cung cấp một nơi như vậy trong đồn, cảnh sát giờ đây có thể thoát khỏi áp lực công việc mệt mỏi trong chốc lát”.

H3- Don-canh-sat-trung-quoc-ban-cafe
Ngay cả đồn cảnh sát cũng bắt đầu mở quán cà phê.

Khác với Kafei Peini được mở ngoài sân, quán cà phê có tên Police Ideal Space lại được mở trên tầng hai của một đồn cảnh sát khác. Đây là quán cà phê đầu tiên được mở trong một đồn cảnh sát ở Hàng Châu. Vì khách hàng không được phép vào bên trong tòa nhà nên cửa hàng nhận đặt hàng thông qua ứng dụng giao đồ ăn và sau đó gửi cà phê ở tầng dưới cho những khách hàng đang đợi bên ngoài. Các nhà quan sát cho rằng các quán cà phê đang đóng vai trò là một kênh liên lạc giữa cảnh sát và công chúng, đồng thời giúp cải thiện hình ảnh của cảnh sát.

Có thể thấy những động thái thú vị này tại Trung Quốc là một phương pháp tiếp thị doanh nghiệp rất độc đáo. Ngoài ra, nó cũng sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp dễ dàng đón nhận các xu hướng thị trường mới, thúc đẩy thị trường cà phê tại quốc gia này ngày càng phát triển.

Ánh Dương (Sưu tầm)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here