Gọi một ly cà phê nâu tại Sài Gòn thì bạn sẽ nhận được câu trả lời là không có. Còn gọi một ly bạc xỉu giữa lòng Hà Nội thì người xung quanh có thể nghĩ bạn… hâm. Đó là hai trông số những điều thú vị và cần lưu ý cho khách du lịch khi đến Hà Nội và Sài Gòn.
Xưa nay văn hóa cà phê của người Hà Nội và người Sài Gòn đã có nhiều điểm khác biệt. Dù xã hội đã bước vào thời kỳ thế giới phẳng, tuy nhiên, vẫn có nhiều khi các du khách khiến ta bật cười vì những hiểu nhầm thú vị trong cách gọi và thưởng thức cà phê ở Hà Nội và Sài Gòn. Bài viết sẽ nói rõ về điều này cùng với những nét độc đáo về văn hóa thưởng thức cà phê tiêu biểu giữa người Hà Nội và người Sài Gòn.

Nét thú vị trong văn hóa “gọi” cà phê
Việc gọi hay order một ly cà phê là việc hết sức dễ dàng với mỗi người Việt Nam, tuy nhiên, nếu Người Hà Nội vào Sài Gòn hoặc ngược lại, người Sài Gòn ra Hà Nội, vậy thì cách gọi cà phê theo thói quen của họ có thể tạo nên những trận cười sảng khoái cho người nghe.
Điển hình như nếu bạn gọi một ly cà phê nâu khi ở Sài Gòn, rất có thể bạn sẽ nhận được một ly cà phê đen từ chủ quán, bởi vị họ chỉ biết cà phê sữa đá chứ không biết cà phê nâu là gì. Nhưng cùng cách gọi là cà phê nâu, người Hà Nội sẽ mang ngay cho bạn một ly cà phê có thêm sữa.
Một so sánh thú vị khác chính là nếu bạn gọi một ly bạc xỉu ở Sài Gòn, chủ quán sẽ đưa cho bạn một ly thức uống ngon tuyệt. Còn việc gọi một ly bạc xỉu ở Hà Nội sẽ nhận được câu trả lời là không có vì đơn giản họ không hiểu đó là bạn đang gọi một ly cà phê sữa với dạng cực nhiều sữa và rất ít cà phê.
Hiểu được những điều này, bạn hãy gọi tên món chính xác ở mỗi địa điểm để được thưởng thức ly cà phê đúng như ý mình muốn nhé!
Lý thú địa điểm uống cà phê
Người Sài Gòn có thể uống cà phê ở bất cứ đâu, từ vỉa hè đến những quán sang trọng. Các địa điểm phục vụ loại thức uống này ở Sài Gòn cũng rất đa dạng về thể loại như cà phê sách, cà phê thú cưng, cà phê bệt cho đến cà phê sân vườn…
Nếu các bạn từng thưởng thức cà phê ở Sài Gòn thì chắc chắn sẽ không còn xa lạ với cái tên “Cà phê bệt” tại Nhà Thờ Đức Bà. Chỉ cần tờ báo, chiếc dép hoặc thậm chí chẳng cần thức gì lót, người ta sẽ ngồi bệt xuống tại một địa điểm nào đó và bắt đầu thưởng thức cà phê cùng tám chuyện với bạn bè.

Còn tại Hà Nội thì khác, do đất chật người đông nên các quán cũng đơn giản hơn. Đó có thể là quán cà phê theo phong cách phố cổ, hoặc đơn thuần chỉ là một quán cà phê vỉa hè, với vài chiếc ghế, có chiếc bàn con hoặc thậm chí lấy ghế làm bàn cũng có.
Cho nên nhắc đến địa điểm uống cà phê Sài Gòn, người ta chắc chắn nhớ ngay đến cà phê bệt. Còn với người Hà Nội, họ sẽ chọn cà phê vỉa hè.
Khác biệt trong văn hóa cà phê khi mời khách
Nét văn hóa sử dụng thức uống mời khách được thể hiện rõ rệt nhất là khi khách đến chơi nhà. Nếu ở Sài Gòn nói riêng hoặc người Nam bộ nói chung, nếu bạn là khách đến thăm, chủ nhà sẽ đón tiếp và mời cà phê như lời chào, lời mở đầu câu chuyện.
Còn những ai ở Hà Nội hay các tỉnh lân cận sẽ thấy được sự khác biệt khi có khách đến nhà, gia chủ thường pha trà để mời nước, rất ít gia đình mời cà phê giống ở Sài Gòn. Hoặc cũng có khi chủ nhà là người mê cà phê thì họ sẽ dọn ra cả 2 sự lựa chọn. Nói chung ở miền Bắc, trà vẫn được xem là phổ biến và thông dụng hơn cà phê.
Vì thế nếu bạn là dân Sài Gòn “thứ thiệt”, đến Thủ đô mà không thấy được mời cà phê ngay câu đầu tiên thì cũng đừng buồn hay nghĩ gia chủ kém hiếu khách nhé, đơn giản là văn hóa mỗi nơi có 1 chút khác biệt mà thôi.

Ai là người mê cà phê?
Nếu đã một lần đến với Hà Nội, để ý một chút bạn sẽ thấy những người nghiền, ưa chuộng cà phê chủ yếu là những bậc lão thành và dân kinh doanh, văn phòng. Đối với dân kinh doanh văn phòng họ thường ngồi uống cà phê để thảo luận công việc, để tán gẫu, trò chuyện, thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng. Còn đối với những bậc lão thành, họ thường có thói quen nhâm nhi ly cà phê vào buổi sáng, ngồi ngắm hàng cây, phố phường Hà Nội để thưởng thức vẻ đẹp của cuộc sống. Với họ, thưởng thức cà phê là cả một nghệ thuật, ẩn chứa những câu chuyện dài cần kể.
Ở Hà Nội, có lúc người ta cũng hẹn bạn đi uống cà phê vào buổi tối nhưng thường là không quá khuya như người Sài Gòn, bởi Hà Nội không phải là một thành phố không ngủ.
Vậy Sài Gòn thì như thế nào? Cà phê ở Sài Gòn có thể nói là loại thức uống phổ biến với mọi lứa tuổi, tầng lớp, từ người già đến người trẻ. Họ có thể uống cà phê bất cứ giờ nào trong ngày, có thể vào buổi sáng sớm hay trong đêm khuya để nhấm nháp ly cà phê với người yêu, người bạn thân.

Ngoài ra “Cà Phê” còn là câu cửa miệng của người Sài Gòn, chỉ cần lấy cớ với một câu nói đơn giản “Cà Phê không?” thì ly cà phê trở thành thứ nối kết giữa hai hoặc rất nhiều người với nhau.