NÉT THƯỞNG THỨC CÀ PHÊ RIÊNG BIỆT CỦA NGƯỜI HÀ NỘI VÀ SÀI GÒN
Ở đâu đó Việt Nam, trong những con ngõ hẹp nhất đến nơi phố thị xa hoa thì chắc rằng hình ảnh người người thưởng thức cà phê, nhà nhà đắm chìm với hương vị ấy là một trong những hình ảnh không quá khó để bắt gặp. Văn hóa uống cà phê tại Việt Nam không chỉ đặc biệt hơn so với những quốc gia khác, mà nó còn có sự riêng biệt nhất định trên từng vùng miền của đất nước. Điều này một phần do ảnh hưởng của thời tiết và văn hóa khu vực, thói quen uống cà phê của người Hà Nội và cả người Sài Gòn đã tạo nên nét thưởng thức cà phê riêng biệt.
Nét đặc trưng trong văn hóa cà phê Sài Gòn và Hà Nội
Sài Gòn và Hà Nội là hai thành phố lớn của Việt Nam. Ở cả hai nơi này đều có những nét đẹp rất riêng về văn hóa.Trong đó không thể không kể đến văn hóa cà phê. Tuy nhiên, văn hóa cà phê ở hai thành phố cách nhau khoảng 1730km có nhiều điểm khác nhau đi từ thói quen đến khẩu vị, và cả khung giờ để thưởng thức loại thức uống “quốc dân” này..
-
Sài Gòn
Người Sài Gòn đã quá quen thuộc với cà phê sữa đá. Hương thơm dịu ngọt và một chút đắng giống như cách sống của người Sài Gòn vậy. Có lúc thăng, có lúc trầm, có lúc bộn bề rối ren, có lúc lại đong đầy tình cảm. Ngoài cà phê sữa đá, cà phê đen đá chất lừ là thức uống ưa thích của đàn ông ở đây. Vị đắng của cà phê đen trở thành thức uống gây nghiện, lâu dần thành thói quen nên nhiều người sống ở Sài Gòn chỉ chọn cho mình mỗi cà phê đen đá. Ngoài ra, giới trẻ như học sinh, sinh viên, trí thức trẻ Sài Gòn thích uống những loại cà phê độc đáo mang đậm phong cách Ý như cà phê cappuccino, cà phê latte. Đó là những loại cà phê nổi bọt sữa trông vô cùng đẹp mắt.
Người Sài Gòn hay lắm, họ coi cà phê không chỉ là một thức uống để nhâm nhi mà còn là thức uống giải khát. Lần đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn, chúng ta sẽ ngạc nhiên khi nhìn thấy một cậu bé tầm khoảng 8,9 tuổi đang uống cà phê như uống một cốc nước mía vậy. Thành phần của cà phê Sài Gòn thường nhiều đá và ít cà phê. Bước vào một quán cà phê ở Sài Gòn, đầu tiên bạn sẽ được phục vụ một cốc nước trà hương vị gần giống hoa nhài sau đó là một ly cà phê, một cốc đá và một ống hút đã cắm sẵn. Cà phê của người Sài Gòn có hương vị rất ngọt ngào, được pha loãng đến mức mà chúng ta chỉ có thể kịp nhớ thoáng qua vị đắng thoang thoảng của cà phê ngay đầu lưỡi. Điều này có lẽ khá phù hợp với văn hóa ưa ngọt của người Sài Gòn với thời tiết nắng nóng quanh năm.

Nét văn hóa sử dụng thức uống mời khách được thể hiện rõ rệt ở cả miền Nam và miền Bắc. Nếu bạn là khách đến thăm nhà có gia chủ ở Sài Gòn nói riêng hoặc người Nam bộ nói chung,, thì chắc chắn bạn sẽ được đón tiếp và mời cà phê như lời chào, lời mở đầu câu chuyện.
-
Hà Nội
Ở Hà Nội, loại cà phê yêu thích thường là cà phê không cho nhiều sữa. Nếu bạn gọi bạc xỉu tại một quán cà phê bất kỳ ở Hà Nội có thể sẽ trở thành một điều lạ lẫm. Văn hóa và thói quen uống cà phê ở Hà Nội thường theo cách thư giãn và thoải mái nhất, có thể đi một mình hoặc đi cùng bạn bè, vừa ngâm nga trò chuyện vừa thưởng thức. Tuy nhiên, người dân Hà Nội không uống cà phê nhiều như Sài Gòn. Một điểm khác biệt là trong khi người dân Sài Gòn thích uống cà phê vào buổi sáng, người Hà Nội thích thưởng thức vào buổi tối khi họ có thời gian rảnh. Cà phê Hà Nội thường pha loãng hơn và phong phú hơn với nhiều lựa chọn: pha cà phin, cà phê đen đá, sữa đá, đen nóng, sữa nóng, cà phê trứng…Đặc biệt, cà phê trứng được xem là đặc sản giữa lòng thủ đô Hà Nội. Đó là thức uống ngon, lạ mà nếu có dịp đặt chân đến đây bạn cũng nên thử uống qua một lần. Bởi do, nó không chỉ có vị ngậy béo của lòng đỏ trứng, mà còn có hương vị đậm đà của cà phê nhưng hình thức cũng rất đẹp mắt.

Còn những ai ở Hà Nội hay các tỉnh lân cận sẽ thấy được sự khác biệt khi có khách đến nhà, gia chủ thường pha trà để mời nước, rất ít gia đình mời cafe giống ở Sài Gòn. Hoặc cũng có khi chủ nhà là người mê cà phê thì họ sẽ dọn ra cả 2 sự lựa chọn. Nói chung ở miền Bắc, trà vẫn được xem là phổ biến và thông dụng hơn cafe.
Người thưởng thức
Ở Sài Gòn dường như bất kể lớn bé, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, từ người già đến người trẻ đều uống cà phê. Cũng có thể nói rằng Sài Gòn không kén đối tượng thưởng thức. Cà phê cùng bạn bè, gia đình, người yêu đã trở thành thói quen ngày qua ngày của người bản địa và dân các nơi đến đây sinh sống.
Về Hà Nội, người thưởng thức giới hạn hơn. Thường những bậc cao niên, giới doanh nhân sẽ thích cà phê hơn cả. Không phải vì cà phê Hà Nội không ngon bằng mà có thể văn hóa uống trà ngày xưa thường thấy ở người có tuổi tại đây đã được thừa kế khi cà phê xuất hiện và phổ biến dần.

Nhịp sống ở Sài Gòn dường như có phần hối hả hơn nên có khi họ ngồi cà phê không quá lâu. Riêng người Hà Nội, thông thường mỗi lần uống cà phê là họ ngồi lâu ở đó với nhiều câu chuyện khác nhau.
Khung thời gian thưởng thức cà phê
Với người Sài Gòn họ có thể uống cà phê vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, kể cả sáng sớm, trưa nắng hay tối muộn. Tuy nhiên, cà phê buổi sáng vẫn được nhiều người Sài Gòn thích thú nhất. Còn người Hà Nội chọn uống cà phê vào buổi tối hẹn hò hoặc thi thoảng vào những buổi sáng se lạnh, nắng nhẹ lên cao và ngồi đàm đạo bên ly cà phê.
Đặc điểm quán cà phê
Có thể nói văn hóa cà phê Sài Gòn là sự giao thoa của nhiều nền văn hóa cà phê khác nhau trên thế giới. Quán cà phê vì vậy cũng đa dạng về phong cách, từ hoài cổ đến hiện đại, giản đơn đến huyền bí. Nhiều quán cà phê còn lựa chọn chủ đề nhất định để kinh doanh như cà phê thú cưng, cà phê sách, cà phê sân vườn,… Hoặc đơn giản chỉ là một quán cà phê nhỏ ở vỉa hè, cà phê bệt nơi công viên.
Còn tại Hà Nội thì khác, do đất chật người đông nên các quán cũng đơn giản hơn. Đó có thể là quán cà phê theo phong cách phố cổ, hoặc đơn thuần chỉ là một quán cà phê vỉa hè. Hoặc đó có thể là các quán cà phê mang đậm phong cách cổ kính mà khi đến đó ta có thể cảm giác như có những thanh âm và câu từ đầy triết lý của Trịnh Công Sơn vang vọng đâu đây.

Với những trải nghiệm gu thưởng thức cà phê riêng biệt của từng vùng đất Việt Nam. Chỉ với duy nhất cà phê cũng đủ làm cho cuộc sống của mỗi chúng ta trở nên phong phú hơn. Thưởng thức và cảm nhận văn hóa cà phê miền Bắc và miền Nam là một trong những trải nghiệm tuyệt vời ấn tượng như thế.
Nguồn: Tổng hợp
Đọc thêm nhiều bài về văn hóa cà phê Việt Nam tại: https://vsca.vn/category/ca-phe-viet-nam/?lang=vi