NGHỆ THUẬT PHỐI TRỘN, PHA CHẾ VÀ VĂN HOÁ THƯỞNG THỨC CÀ PHÊ ROBUSTA ĐỘC ĐÁO, ĐA DẠNG NHẤT THẾ GIỚI
Cà phê không chỉ là thức uống mà còn là được xem là một nét văn hóa của người Việt. Mỗi một vùng miền lại có cách pha chế đặc trưng. Cà phê trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của người Việt. Ngày càng có nhiều sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật pha trộn cà phê Robusta của Việt Nam để tạo nên những ly cà phê thơm ngon, hấp dẫn, mới lạ. Những ly cà phê đó đã và đang chinh phục nhiều tín đồ ẩm thực, liên tục lọt vào các top thế giới được bình chọn bởi các chuyên trang uy tín.
Nói đến cách pha chế cà phê của người Việt, có thể nhắc đến Cà phê “3 chín của người Ê-đê, Cà phê vợt – hay còn gọi là “cà phê kho” và phổ biến nhất hiện nay là cà phê phin.
Cà phê “3 chín” của người Ê-đê
Cây cà phê Robusta lần đầu tiên được thử nghiệm và trồng hàng loạt tại vùng đất Cư M’Gar (Đắk Lắk) vào đầu thế kỷ 20 bởi người dân Êđê bản xứ trong các đồn điền trồng cà phê do người Pháp lập ra. Trải qua hơn 100 năm, người dân Ê Đê đã học hỏi và tự sáng tạo ra một phong cách pha chế, cách uống cà phê rất độc đáo theo đặc trưng của dân tộc mình.
Bí ẩn trong ly cà phê truyền thống của người Ê Đê chính là tỷ lệ pha trộn giữa cà phê và lượng mỡ gà, muối, rượu trắng trong từng mẻ rang.
Từ những hạt cà phê chín mọng trong vườn, người Ê Đê thu hái về phơi trong nhiều ngày. Qua thời gian phơi, họ bắt đầu xử lý, ủ hạt cà phê và cuối cùng là rang chín. Mọi công đoạn được thực hiện theo công thức “3 chín”: Hái chín, rang chín, hãm chín. Sau khi hạt cà phê đã sơ chế hoàn tất, người Ê Đê sử dụng công thức bí mật để pha trộn làm sao giữ được vị thơm, vị nguyên chất và hợp “gu” của nhiều người.
Phong cách uống cà phê đúng kiểu người Ê Đê là phải đưa ly cà phê lên mũi ngửi hương vị trước khi uống. Làm như vậy thì hương vị sâu lắng của cà phê mới thấm sâu vào khứu giác và dù uống một lần cũng không thể quên được.
Cà phê vợt – hay còn gọi là “cà phê kho” của người Sài Gòn
Cà phê được rang bằng phương pháp rang thủ công truyền thống, có muối, bơ Pháp và rượu. Cà phê sau khi pha được ủ trong siêu (ấm) nước thêm 10 phút rồi mới đưa ra cho khách thưởng thức (vừa để cà phê nguội bớt, vừa để bột cà phê sẽ nở đều và đậm hương hơn).
Không giống như những món cà phê có biến tấu với nguyên liệu khác, cà phê vợt Sài Gòn đặc biệt ở phương thức pha chế bằng chiếc vợt vải lưới.
Người Sài Gòn xưa thường pha cà phê bằng cách cho cà phê vào một túi vợt lưới bằng vải dài tầm 25cm, có đường kính 10cm, sau đó cho nước sôi vào rồi đun liên tục bằng bếp than. Bằng cách này, cà phê được pha ra sẽ thanh nhưng không mất vị, đồng thời cũng thơm hơn rất nhiều. Có thể nói, cà phê vợt là một trong những nét văn hóa cà phê lâu đời nhất của Việt Nam.
Cà phê Phin Việt Nam – một “ Biểu tượng tự hào của văn hoá cà phê Việt Nam”
Ở Việt Nam, cà phê phin là hình thức pha chế phổ biển hơn cả. Cà phê ‘Phin’ được xem là linh hồn, là nét văn hóa thưởng thức cà phê đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt.
Ngồi nhìn ngắm nhìn những giọt đắng rơi chậm rãi dường như là thú vui của dân ghiền cà phê
Bột cà phê rang xay được chiết xuất chậm rãi từng giọt một thông qua dụng cụ lọc bằng kim loại có tên là ‘Phin’. Hình ảnh ly cà phê phin gắn liền xuyên suốt chiều dài lịch sử văn hóa cà phê của người Việt. Và hơn thế, cà phê phin đã mang tầm thương hiệu, một nét đặc trưng riêng, bản sắc riêng của người Việt Nam.
Đọc thêm nhiều bài hay về cà phê tại đây: https://vsca.vn/?lang=vi