Có mặt tại mảnh đất Sơn La từ những năm 1945, sau hơn 70 năm, cây cà phê Arabica đã trở thành cây trồng chủ lực ở nhiều vùng núi cao của tỉnh này. Hiện Sơn La trở thành tỉnh trồng cà phê Arabica lớn thứ 2 của Việt Nam. Rất nhiều câu chuyện cảm động trong hành trình mang lại thu nhập cho bà con nơi đây của cây cà phê Arabica
Arabica là loại cà phê được trồng phổ biến tại Brazil và các nước Nam Mỹ. Trong đó, Brazil là nước sản xuất cà phê Arabica lớn nhất thế giới. Mặc dù là nước sản xuất chủ yếu cà phê Robusta, nhưng Việt Nam cũng là nơi có những loại cà phê Arabica thuộc loại ngon bậc nhất thế giới, được trồng ở các tỉnh: Lâm Đồng, Sơn La, Quảng Trị, Điện Biên.
Cà phê Arabica được đánh giá cao về chất lượng, phát triển ở điều kiện khác biệt nên mang hương vị tự nhiên. Sản phẩm chế biến từ cà phê Arabica được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, giá trị cao hơn cà phê Robusta được trồng chủ yếu tại Tây Nguyên.
Sơn La có hệ thống núi non trùng điệp được bao quanh bởi các bồn địa, các cao nguyên. Cà phê Arabica Sơn La được trồng trên các sườn dốc dưới chân dãy núi thấp hoặc trên các đồi nông với độ cao từ 900m đến 1200m.
Có mùi thơm như hoa quả, vị chua thanh xen lẫn với vị đắng nhẹ, cà phê Arabica của Sơn La hiện đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và trở thành một trong các sản phẩm chủ lực của Chương trình Mỗi xã, phường 1 sản phẩm (OCOP) đem lại giá trị kinh tế cao, từng bước khẳng định vị trí vững chắc trên bản đồ cà phê thế giới.
Cà phê arabica “tử tế đến từng hạt” của đồng bào dân tộc Thái- Sơn La
Xã Chiềng Chung nằm ở độ cao từ 1.000m đến 1.300m so với mực nước biển. Nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm trên 10 độ C. Đêm từ 16 độ C đến 20 độ C, ngày từ 27 độ C đến 32 độ C. Tháng 4 đến tháng 5 nóng nhất, tháng 6 đến tháng 8 là mùa mưa. Nhiệt độ trung bình là 24,02 độ C; hằng năm có sáu tháng có nhiệt độ trung bình 24,02 độ C.
Hơn 7 thập kỷ trước, những người trồng cà phê ở xã Chiềng Chung và Mường Chanh của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vẫn chỉ trồng, thu hoạch quả rồi bán chứ không uống cà phê. “Cà phê chắc đắng lắm đúng không?” là câu hỏi thường trực của họ.
Đến nay, gần một nửa sản lượng cà phê arabica của Việt Nam được trồng ở tỉnh Sơn La, tập trung ở xã Chiềng Chung và Mường Chanh của huyện Mai Sơn. Nhưng mãi đến gần đây thương hiệu cà phê arabica Sơn La mới được nhiều người biết đến.
Từ những người chỉ biết trồng, hái và bán cà phê xô, những năm gần đây bà con dân tộc Thái nơi đây đã làm chủ quy trình chăm sóc, thu hái, chế biến, đánh giá đúng kỹ thuật theo tiêu chuẩn cà phê đặc sản.
Bước ngoặt đến với bà con người dân tộc Thái khi tham gia dự án Nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua cải tiến sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản do Bộ Ngoại giao và thương mại Australia tài trợ. Bà con được học hỏi tại các lớp tập huấn, thực tập trên nương rẫy, được học một lớp dạy từ rang cà phê, cảm quan mùi vị đến cách pha một li cà phê cho đẹp, cho ngon…
Lần đầu tiên ở đất này, những người Thái đen trồng cà phê biết dùng máy đo độ đường của quả cà phê chín, biết phơi cà phê trong nhà màng, có máy xay, rang…
Có sản phẩm ưng ý, bà con dân tộc Thái ở đây tự tin mang vào thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk tham dự Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2020 (Vietnam Amazing Cup 2020) do Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức, với sự tham gia đua tài của 56 nhà sản xuất cà phê trên cả nước. Và thật ngoạn mục khi hai mẫu sản phẩm dự thi đều đạt chứng nhận cà phê đặc sản. Trong đó, mẫu cà phê arabica được chế biến theo công thức natural đã đứng thứ 7/23 với số điểm 82,71/100. Mẫu cà phê arabica được chế biến theo công thức honey đứng thứ 15/23, đạt điểm 81,83/100. Câu chuyện của họ y như trong cổ tích. Bà con tự tin: “Người Pháp đã mang cây cà phê đến đây thì người Sơn La sẽ mang cà phê đặc sản ra thế giới”. Câu khẩu hiệu của bà con là: “Tử tế đến từng hạt”.
Người đàn ông “bỏ phố về quê trồng cà phê
Không lựa chọn cho mình con đường bằng phẳng, dễ đi, ông Cường quyết định rời Thủ đô lên Sơn La cùng người dân xây dựng vùng trồng cà phê bền vững, xuất khẩu sang nhiều nước khó tính trên thế giới.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, ông Nguyễn Thái Cường (sinh năm 1973) lập gia đình và gắn bó với hạt cà phê từ việc mở cửa hàng cà phê tại nhà, sau đó ông nhượng lại quán cho anh trai rồi trở thành nhân viên đi giao cà phê cho các cửa hàng.
Cơ duyên đã đưa những con người có cùng đam mê gặp nhau, có sẵn tình yêu với hạt cà phê, ông đã nhận lời lên Sơn La cùng một người bạn để tìm hiểu về vùng trồng cà phê ở đây.
Lần đầu tiên được tận mắt nhìn ngắm, tìm hiểu về toàn bộ những công đoạn trồng trọt, thu hái, chế biến hạt cà phê, ông Cường có một sự thích thú đặc biệt, bởi đó là những kiến thức mà ông đang muốn tìm hiểu, trau dồi. Sau đó ông quyết định gắn bó với mảnh đất này.
Sinh ra và lớn lên ở thành phố, ông Cường gặp vô vàn khó khăn khi vừa phải thích nghi với cuộc sống của núi rừng Tây Bắc, vừa phải không ngừng trau dồi, tìm mọi cách để hỗ trợ người dân và chung tay cùng với đội ngũ của mình để nâng tầm giá trị nguyên bản của hạt cà phê ở Sơn La.
Theo ông tâm sự, hành trình 20 năm là một hành trình rất dài nhưng ông nó vẫn như một giấc mơ. Đó là giấc mơ đóng góp một chút bé nhỏ đưa cà phê Việt Nam nói chung và Sơn La nói riêng lên một tầm cao mới.
Những câu chuyện như câu chuyện của bà con người dân tộc Thái-Sơn La ở Chiềng Chung, Mai Sơn hay câu chuyện của ông Cường còn rất nhiều. Hiện nay cây cà phê Sơn La đang dần khẳng định vị trí là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân trong tỉnh.
Đồng thời, những nỗ lực của ngành nông nghiệp và địa phương đang tạo ra sản phẩm có giá trị xuất khẩu, góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Sơn La.
(Nguồn: Tổng hợp)
Đọc thêm nhiều bài hay về cà phê tại đây : https://vsca.vn/?lang=vi