NHỮNG ĐIỀU LÝ THÚ VỀ CÂY CÀ PHÊ KHÔNG PHẢI AI CŨNG BIẾT

0
272

Cây cà phê 25 tuổi đã bị xem là già nhưng tuổi thọ của chúng có thể kéo dài thêm tới 70 năm nữa. Việt Nam chỉ thu hoạch cà phê Arabica 1 lần trong năm nhưng Colombia có thể thu hoạch tới hai lần. Chế biến cà phê không chỉ có phơi và rang mà cũng có thể sẽ là ngâm nước và ủ lên men trước khi phơi, sấy khô… Và rất nhiều điều lý thú về cà phê khác sẽ được bật mí ngay trong bài viết này.

Lá cây cà phê có thể làm trà

Lá cây cà phê có chứa nhiều hợp chất hóa học như: Antioxidant, mangiferin polyphenols và chlorogenic acids. Nhiều nghiên cứu về công dụng của lá cây cà phê đã cho ra kết quả khá bất ngờ. Kết quả nghiên cứu cho biết, trà làm từ lá cà phê có thể làm thay đổi hàm lượng antioxidant, phytochemicals, total polyphenol content, và tăng cường hoạt động kháng viêm của cơ thể.

Lá của cây cà phê có thể dùng để làm trà.

Khi sử dụng lá cà phê để làm trà đen, dung dịch nước trà này có tác dụng tăng cường sức khỏe tim mạch và làm giảm nguy cơ tăng huyết áp. Khi sử dụng lá cà phê để làm trà xanh, dung dịch nước trà này có tác dụng chống oxy hóa và kháng viêm mạnh mẽ. Ngoài ra, khi sử dụng trà nấu từ lá cà phê thường xuyên còn có thể bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn, virus có hại, tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch.

Tuổi thọ của cây cà phê lên đến 90 tuổi

Cây cà phê 25 tuổi đã được coi là già, không thu hoạch được nữa. Trên thực tế, nó vẫn có thể tiếp tục sống thêm khoảng 70 năm trong môi trường tự nhiên.

Tại Việt Nam – quốc gia đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu cà phê Robusta, vòng đời cây cà phê chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn từ khi gieo trồng tới khi trưởng thành, trưởng thành và phát triển, cuối cùng là chết.

Cây cà phê bắt đầu cuộc sống của nó dưới dạng hạt và sau 4 đến 8 tuần, nó phát triển thành cây con. Sau khoảng 9 đến 18 tháng cây cà phê sẽ cao khoảng 12 inch (khoảng 30 cm), đạt chiều cao để hãm ngọn. Thêm 3 – 4 năm nữa thì cây mới trưởng thành và bắt đầu cho thu hoạch. Và từ năm thứ 6 đến năm thứ 8 thì cây mới hoàn toàn trưởng thành và kết trái hoàn toàn, cũng là thời gian cây cho sản lượng trái cao nhất.

Một cây cà phê mất 6-8 năm để hoàn toàn trưởng thành

Một vụ mùa trồng và thu hoạch loại quả này được tính từ tháng 10 đến hết tháng 9 năm sau. Thời gian từ khi cây cà phê ra hoa đến khi trái chín là khoảng 7 – 9 tháng và thời điểm thu hoạch trái cà phê thường rơi vào tháng 9 hằng năm. Tại các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, vào mùa hoa cà phê nở và kết quả, nông dân trồng cà phê bắt đầu tưới nước và bón phân cho cây trong vòng 2 tháng để cây phát triển, một vụ mùa thường khá ngắn, chỉ trong khoảng 4 tháng mùa đông.

Thông thường, những đốt cà phê ra hoa và quả ở năm nay sẽ tiếp tục ra hoa ở những năm sau đó, do đó khi thu hoạch trái cà phê, người nông dân thường thực hiện hái thủ công bằng tay để không làm tổn thương các đốt ra hoa và chọn lọc được những hạt cà phê chất lượng.

Tại Việt Nam, cây cà phê Arabica chỉ có một mùa thu hoạch trong năm, tuy nhiên ở Colombia lại có tới 2 vụ thu hoạch, gồm một mùa thu hoạch chính và một mùa phụ, do họ có giống cà phê Arabica tốt.

Chỉ thu hoạch quả cà phê chín tới để… tránh độc tố

Ai cũng biết người nông dân thu hoạch những trái cà phê chín vừa là để đảm bảo giữ được mùi vị nguyên bản, thơm ngon cho cà phê. Tuy nhiên rất ít người biết rằng, họ không thu hoạch những trái cà phê quá chín hoặc quá xanh vì chúng sẽ tạo điều kiện cho nấm mốc và độc tố phát triển.

Quả cà phê được thu hoạch là những quả có màu đặc trưng của quả khi chín chiếm 2/3 diện tích quả, tức tỷ lệ chín đạt từ 95% trở lên và tỷ lệ tạp chất không quá 0.5%. Vào đợt tận thu cuối vụ, tỷ lệ quả chín đạt trên 80%, tỷ lệ tạp chất không quá 1% và không được chiếm quá 10% tổng sản lượng của toàn vụ.

Người nông dân thu hoạch trái cà phê bằng tay để không làm tổn thương đến cây

Người nông dân sẽ thực hiện thu hoạch bằng tay, hái từng trái chứ không tuốt cả cành (điều này nhằm tránh không làm gãy cành). Việc thu hoạch cũng sẽ được thực hiện làm nhiều đợt trong một vụ và huy động tối đa nhân lực để thu hái kịp thời những quả chín trên cây. Trước và sau khi cây cà phê nở hoa ba ngày, người nông dân cũng sẽ ngừng việc thu hái trái cà phê.

Để đảm bảo chất lượng thơm ngon của cà phê, người nông dân sẽ chế biến quả cà phê ngay trong ngày thu hoạch hoặc không để quá 24 giờ. Phương tiện vận chuyển và bao bì đựng quả cà phê phải sạch sẽ, không nhiễm phân bón, hóa chất… Trường hợp không vận chuyển hay chế biến quả cà phê phải được đổ trên nền khô ráo, thoáng mát và không được đổ đống dày quá 40 cm.

Có 2 loại chế biến cà phê: khô và ướt

Khác với tưởng tượng của nhiều người, việc chế biến cà phê được chia làm hai loại, gồm chế biến khô và chế biến ướt. Trong đó, chế biến khô là đem phơi nguyên cả quả sau thu hoạch, thường được sử dụng để chế biến cà phê Robusta. Còn chế biến ướt thì thường áp dụng để chế biến cà phê Arabica, cách làm sẽ phức tạp hơn, phải sơ chế, đem xát tươi ngay trong ngày thu hoạch, sau đó dùng nước đãi hết lớp vỏ quả, gạn hết nước rồi để ủ lên men, sau đó mới vớt ra, rửa sạch và đem phơi khô rồi chế biến.

Tùy loại cà phê mà người nông dân sẽ chọn sản xuất cà phê theo cách chế biến khô hoặc ướt.

Ưu điểm của chế biến khô là nhanh chóng, dễ thực hiện, tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này là quả lâu khô, dễ bị mốc, chất lượng hương vị của cà phê bị giảm.

Ưu điểm của chế biến ướt là có thể tạo ra sản phẩm cà phê có chất lượng cao hơn hẳn so với chế biến khô, tuy nhiên nhược điểm là khó thực hiện, yêu cầu lên men khắt khe, nhiều công đoạn, tốn nhiều thời gian và nhân lực.

Trên đây là một số điều lý thú về cây cà phê mà không phải ai cũng biết. Nếu bạn là người yêu cà phê, hãy theo dõi ngay https://vsca.vn/ để xem thêm nhiều thông tin mới nhất về văn hóa cà phê của Việt Nam và thế giới nhé!

Tổng hợp

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here