NHỮNG GIỐNG CÀ PHÊ ĐƯỢC TRỒNG PHỔ BIẾN TẠI VIỆT NAM – PHẦN 2
3. Cà phê Cherry – Mít
Cà phê Cherry hay còn gọi là cà phê mít, có tên khoa học là Coffea Excelsa hoặc Coffea Liberica thuộc họ Thiền Thảo, là nhánh thứ ba trong số các loại cà phê được trồng sau Arabica và Robusta là một trong những “đứa con” quý hiếm của núi rừng Tây Nguyên. Do kích thước cây và lá khá giống với cây mít nên cũng được đặt tên là cà phê mít. Cà phê Cherry là loại cà phê thích hợp với rất nhiều loại khí hậu, có khả năng chống lại sâu bệnh rất tốt. Sở dĩ nói như vậy bởi đây là một trong những giống cà phê mang hương vị rất khác lạ và hiện nay xuất hiện trên thế giới với số lượng rất khan hiếm và chiếm khoảng 1% lượng cà phê tiêu thụ trên thế giới.
Ở Việt Nam cà phê được trồng nhiều ở các tỉnh như Nghệ An, Quảng Trị, Gia Lai, Kon Tum vì có điều kiện môi trường và khí hậu rất thích hợp với giống cà phê này. Cà phê Cherry thường ra hoa và thu hoạch muộn hơn các loài cà phê khác do đặc điểm khá đặc biệt là nở hoa nhờ nước mưa. Sau khi các loại cà phê khác đã thu hoạch xong thì cà phê Cherry mới bắt đầu vào vụ mùa của mình.

Về đặc điểm trái thì trái cà phê Cherry có hình bầu dục, màu vàng sáng bóng rất đẹp, rất dân giã. Chúng có kích thước quả lớn hơn khoảng 1,5 lần kích thước cà phê Arabica, được xếp vào giống cà phê có quả lớn nhất hiện nay. Cũng vì điều này, cà phê Cherry sau khi thu hoạch thì cần nhiều thời gian hơn để chế biến hạt cà phê bởi vì vỏ của chúng dày hơn các giống cà phê khác.
Nếu nhẹ nhàng thanh thoát cùng với mùi hương ngọt ngào của trái cây là những tính từ để nói về cà phê chè và vị đắng, đất cùng gỗ ở cuối khẩu vị để nói về cafe vối thì ở cà phê Mít hay cà phê Cherry cũng mang một hương vị rất khác biệt với đặc trưng khó nhầm lẫn. Chúng có mùi thơm thoang thoảng như mít hòa quyện vị chua chua của cherry, khi nếm thì lại có mùi socola nhẹ nhàng kết hợp với một chút ngọt của trái chín, hương rất thoảng của hoa cỏ và gia vị, mang lại cho người thưởng thức một cảm giác khó tả. Hương vị của cà phê Cherry cũng không đắng gắt nên được rất nhiều phái nữ yêu thích.
4. Cà phê Moka
Với những người yêu thích và có tìm hiểu sơ qua về cà phê thì chắc chắn cà phê Moka là một cái tên gợi lên vẻ quý phái và sang trọng. Sở dĩ như vậy là vì Moka được xem là Hoàng Hậu trong vương quốc cà phê. Cà phê Moka là một chủng loại thuộc giống Arabica. Moka cùng họ với những loại cà phê nổi tiếng như: Typica, Bourbon, Icatu hay Mundo Novo.
Moka được tìm thấy lần đầu tiên tại một thành phố cảng có tên Mocha thuộc Yemen. Vì vậy, giống cafe này còn có tên gọi Mocha Coffee. Loại cà phê này lần đầu được đưa ra ngoài lãnh thổ Yemen là vào những năm cuối của thế kỷ 13. Khi nhà truyền giáo Marco Polo đến đây và mang hạt Moka đi bán ở châu Âu. Tuy nhiên đến mãi thế kỷ thứ 17, hạt cà phê Moka mới thực sự trở thành một làn sóng và nổi tiếng khắp châu Âu. Khi người ta phối trộn nó với Chocolate tạo thành hương vị Coffee – Chocolate.
Đến những năm cuối của thế kỷ 19, đâu đó khoảng năm 1975, người Pháp đã đem hạt giống Moka đi trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc, Việt Nam. Sau này khi nhận thấy điều kiện khí hậu thuận lợi, họ mới mở các đồn điền cà phê lớn ở Tây Nguyên và đặc biệt là ở Cầu Đất, Đà Lạt. Từ khi biết đến cà phê Moka, người dân Việt Nam đã cố gắng phát triển loại cây trồng này từ rất sớm. Tuy nhiên dù có áp dụng bất cứ biện pháp nào thì không ở đâu mang lại hương vị của Moka sánh bằng Đà Lạt. Đặc biệt trồng và phù hợp vùng Cầu Đất với tên gọi Moka Cầu đất nổi tiếng.

Sở dĩ Đà Lạt lại cho ra hương vị cà phê Moka ngon nhất là vì điều kiện khí hậu và đất đai nơi đây vô cùng thuận lợi. Với vị trí địa lý từ khoảng 1500 – 2000m so với mực nước biển, có khí hậu mát mẻ quanh năm. Thêm vào đó, lượng mưa nhiều, nguồn nước đầu nguồn trong lành và đặc biệt là đất đỏ bazan giúp cây cà phê Moka có thể sinh trưởng tốt nhất.
Thế nhưng, cà phê Moka là một giống cây khó trồng, dễ bị sâu bệnh và mất rất nhiều công chăm sóc. Vì vậy nó cũng có những đặc điểm riêng biệt về hình dạng cây, quả và hương vị đặc trưng. Phải có một điều gì đó đặc biệt trong hương vị thì người ta mới gọi Moka là nữ hoàng trong vương quốc cà phê. Những người biết thưởng thức sẽ cảm nhận thấy sự khác biệt trong lần đầu tiên.
Những ly cafe Moka nguyên nhất 100% sẽ mang theo mình vị đắng nhẹ, xem lẫn trong đó là một chút chua thanh và có cả vị béo của phần dầu bên trong hạt. Khi uống, cái đắng lan tỏa trong miệng rồi xuống cuống họng, nhưng chỉ vài giây sau mùi hương nồng nàn và vị ngọt mới xuất hiện gây cảm giác thương nhớ. Có thể nói rất ít người có thể tự tin nhận ra được mùi vị đặc trưng của cà phê Moka. Nếu cà phê thông thường như Robusta có vị đắng mạnh mẽ và quyến rũ thì cà phê Moka đặc trưng với vị chua rất đặc biệt. Vị chua này là vị chua thanh một cách tự nhiên, không gay gắt cùng hậu vị đắng rất khác biệt.
Thêm vào đó là mùi thơm quyến rũ, sang trọng, khi thưởng thức một ly cà phê Moka nguyên chất, bạn sẽ cảm nhận được vị chua thanh nhẹ nhàng, sau đó là chuyển dần sang vị đắng và ngọt ở đầu lưỡi rất đặc biệt. Vị chua này thường bị nhiều người lầm tưởng là cà phê có pha tạp chất, cà phê bẩn không đảm bảo chất lượng. Nhưng với những người đã từng nếm qua và sành sỏi sẽ nhận biết được mùi vị nguyên chất của cà phê Moka.
Đọc thêm nhiều bài hay về cà phê tại đây: https://vsca.vn/?lang=vi
Và những bài hay về văn hóa cà phê Việt Nam: https://vsca.vn/category/ca-phe-viet-nam/?lang=vi