Việt Nam quốc gia cà phê có sản lượng đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Brazil. Không chỉ vậy, Việt Nam là một quốc gia nổi tiếng có cà phê đặc sản. Dưới đây là những vùng trồng cà phê đặc sản ở Việt Nam.
Cà phê đặc sản (Specialty coffee) có nhiều khái niệm. Tuy nhiên khái niệm đúng nhất cho rằng cà phê đặc sản là sản phẩm cà phê từ vùng trồng có điều kiện tự nhiên cùng với quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến đặc biệt, khi thử nếm có hương vị riêng và đạt từ 80 điểm trở lên theo tiêu chuẩn và quy trình đánh giá của Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới (SCA) và Viện chất lượng cà phê thế giới (CQI).
Theo khái niệm này để có được cà phê đặc sản thì trước tiên cần phải có vùng trồng phù hợp. Ở Việt Nam hiện nay nhắc tới cà phê danh tiếng thế giới người ta nêu tên cà phê Arabica ở Cầu Đất, Trạm Hành, Núi Min (Lâm Đồng); cà phê Robusta Buôn Ma Thuật (Đắk Lắk); cà phê Arabica Khe Sanh (Quảng Trị) và một số vùng trồng khác.
Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
Nói về vùng trồng cà phê đặc sản Việt Nam cần phải nói về Buôn Ma Thuột trước vì địa danh này có nhiều đặc điểm nổi trội nhất. Những đặc điểm của Buôn Ma Thuột có lẽ ít có vùng trồng cà phê đặc sản nào có thể có được.
Nếu như Tây Nguyên là vựa cà phê Robusta lớn nhất thế giới thì Buôn Ma Thuột trước tiên được biết tới là thủ phủ của cà phê. Đây là vùng đất có cà phê khá sớm ở Việt Nam. Trước đó, người Pháp đã khảo sát rất kỹ lưỡng về thổ nhưỡng, khí hậu, độ cao, tầng phù sa cổ…mới chọn Buôn Ma Thuột là nơi chuyên canh cây cà phê Robusta, lấy Buôn Ma Thuột làm tâm trong vòng bán kính 10 km trồng cà phê Robusta đều cho ra thể chất tốt, như Ea Kao, Etam, Tân Lập, Tân Hòa, Tân An, Tân Lợi, Cư Ebut, và một số huyện.
Tuy ở Đắk Lắk gần như huyện nào cũng có trồng cà phê, nhưng cà phê Buôn Ma Thuột vẫn luôn được đánh giá là có chất lượng cao nhất và có hương vị đặc trưng nhất được giới hâm mộ và các nhà rang xay cà phê đánh giá cao. Hiện tại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã được dùng chung cho cà phê Đắk Lắk.
Cầu Đất, Trạm Hành, Núi Min (Lâm Đồng)
Cầu Đất cách trung tâm Đà Lạt, Lâm Đồng 25km về phía Đông Nam, thuộc vùng Cao Nguyên nổi tiếng của Việt Nam. Nơi đây được coi là thiên đường cà phê Arabica của Việt Nam với những “chỉ số vàng” trong trồng cà phê như cao 1.500 m, khí hậu ôn đới mát quanh năm, nhiệt độ cực đại trong năm không vượt quá 33 độ C. Đối với hạt cà phê Arabica thì địa hình càng cao, khí hậu càng lạnh hơn, càng cho ra những hạt cà phê Arabica chất lượng tuyệt hảo. Các giống Arabica ngon nổi tiếng như: Typica, Bourbon và đặc biệt là Catimor với sản lượng rất cao và đạt các chỉ số dành cho cà phê đặc sản.
Cà phê Arabica từ Cầu Đất nổi bật bởi sự kết hợp của vị chua xen lẫn vị đắng nhẹ, nước pha màu nước nâu nhạt, trong trẻo của hổ phách. Mùi hương của Arabica rất thanh tao, quý phái, bởi mùi của si-rô, mùi của hoa trái, hòa quyện với mùi của mật ong, và cà mùi bánh mì nướng, mùi của cánh đồng rơm buổi trưa hè… khiến người uống sẽ không thể quên được cà phê Cầu Đất một khi đã thử qua một lần.
Trạm Hành là một xã mới thành lập của thành phố Đà Lạt nhưng vùng đất này vốn có truyền thống từ lâu đời. Nằm cuối con đèo D’ran, những cây cà phê cổ vẫn đơm hoa kết trái, như chứng tích cho miền đất lành, nơi con người đổ mồ hôi, chăm chút để hương cà phê bay xa. Vì có địa hình giống như Cầu Đất nên cà phê ở đây có chất lượng giống như Cầu Đất
Từ Cầu Đất đi thêm khoảng 30km qua rừng là núi Min hay còn gọi là đỉnh Lán Tranh ở huyện Đơn Dương. Cách mặt nước biển chừng 1400m, núi Min được thiên nhiên ưu ái nên có điều kiện khí hậu, thổ dưỡng lý tưởng để sản sinh ra giống cà phê Arabica núi Min độc đáo có thể sánh vai với các vùng trồng cà phê danh tiếng khác trên thế giới.
Cà phê núi Min khi rang vừa sẽ cho mùi thơm của trái cây, một ít gỗ, vị chua thanh nhẹ nhàng, ngọt dịu nhưng cũng có chút đắng. Nếu có lẫn vài trái còn xanh thì sẽ có thêm ít vị chan chát. Tất cả các mùi vị đó tạo nên bản sắc riêng của cà phê Arabica núi Min mà bạn khó có thể tìm được ở bất cứ quán cà phê từ vỉa hè, cà phê pha máy hay thậm chí tại các quán cà phê sang trọng.
Khe Sanh, Quảng Trị
Khe Sanh là một thị trấn ở miền Trung Việt Nam, thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Địa danh Khe Sanh được cả thế giới biết đến qua trận đánh Khe Sanh năm 1968 trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.
Cho đến nay, cà phê Khe Sanh vẫn giữ vị thế tiên phong trong vùng cà phê chè miền trung, Diện tích trồng cà phê ở Khe Sanh khoảng 4.600 ha tập trung chủ yếu ở 3 xã: Hướng Phùng, Hướng Linh và Tân Liên. Đay là những khu vực có thời tiết thuận lợi nhất do mưa ít nhất trong các xã và cuối cùng là độ cao phù hợp, cao 670m so với mực nước biển.
Cà phê Arabica Khe Sanh khi pha nước có màu nâu nhạt sánh, mùi vị đắng rất đa dạng từ đắng dịu hương thơm nhẹ nhàng quyến rũ đến vị đắng lẫn hương thơm nồng nàn. Đặc biệt có vị hơi chua rất lôi cuốn và thích hợp với khẩu vị của các qúy bà. Bản thân cà phê Khe Sanh đã có đặc trưng hương của dứa và vị chát mặn. Chắc chắn, sự kết hợp hương vị như vậy là vô cùng đặc biệt, không nơi nào có được.
Nguồn: Tổng Hợp
Đọc thêm nhiều bài hay về cà phê tại đây