ROBUSTA – LINH HỒN CÀ PHÊ VIỆT NAM
Robusta là dòng cà phê được trồng phổ biến ở Việt Nam, nhất là khu vực vùng cao Tây Nguyên. Robusta chính là giống cà phê xuất khẩu mũi nhọn, đưa nước ta trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới, trong đó đứng đầu thế giới về sản lượng Robusta.
Không chỉ sản lượng nhiều mà cà phê Robusta trồng ở các vùng đất Việt Nam có hương vị rất đặc trưng, rất riêng, được ví như linh hồn của cà phê Việt. Vì vậy, đặc trưng và tiềm năng phát triển của cây cà phê Robusta tại Việt Nam là điều đáng để chúng ta tìm hiệu.
1. Nguồn gốc cà phê Robusta
Cà phê Robusta hay còn được gọi là cà phê vối, thuộc giống Canephora. Đây là một trong hai giống cà phê được trồng thương mại nhiều nhất trên thế giới.
Cà phê Robusta được phát hiện ở khu vực Congo (Bỉ) khoảng những năm 1800. Du nhập vào khu vực Đông Nam Á những năm 1900, tuy nhiên cà phê Robusta nhanh chóng được trồng rộng rãi và đạt sản lượng cà phê cao. Ngày nay, cà phê Robusta được trồng chủ yếu tại các vùng Trung Phi, Tây Phi, Trung Mỹ, Nam Mỹ và Đông Nam Á. Theo ước tính, cà phê Robusta chiếm khoảng 30% đến 40% sản lượng cà phê trên thế giới.
2. Đặc điểm cây cà phê Robusta
Tương tự như các giống cà phê khác, cà phê Robusta là cây bụi, có kích thước lớn, chiều cao cây khoảng 10m. Vì kích thước tán cây lớn, cây cà phê Robusta được trồng ở mật độ thấp hơn so với cà phê Arabica. Cây cà phê Robusta được đánh giá là giống cà phê khá dễ trồng, phát triển tốt ở độ cao dưới 800m so với mực nước biển. Giống như chính cái tên của mình (robust: mạnh mẽ), giống cà phê này có sức sống, khả năng sinh trưởng và thích nghi tốt. Cây cà phê Robusta có ưu điểm nổi bật như khả năng chống bệnh gỉ sét, sâu đục thân,… cao hơn các giống cà phê khác, năng suất cũng cao hơn. Giống cà phê này yêu cầu lượng mưa khá lớn, khoảng từ 2200 đến 3000mm, cây chịu hạn. Cây chịu lạnh kém, nhiệt độ sinh trưởng thích hợp nhất là 18 – 36 độ C. Nếu trồng cà phê ở nhiệt độ thấp, cây sẽ phát triển chậm, sản lượng không ổn định. Với những đặc điểm trên, cà phê Robusta phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở nước ta.
3. Hương vị đặc trưng của Robusta là sự khác biệt lớn
Hạt cà phê Robusta nhỏ hơn so với hạt cà phê Arabica. Các vùng trồng thường sấy hạt Robusta trực tiếp mà không cần lên men, bởi vậy hương vị của Robusta có vị đắng chủ yếu, kèm theo đó vị chát, đắng đậm, độ chua khá cao. Vì không có quá trình lên men giống như Arabica, rang được coi là giai đoạn quan trọng nhất để giúp Robusta tạo hương vị riêng biệt. Nhiệt độ rang Robusta thường từ 230 – 240 độ C, để có thể đạt hương vị và tạo độ thơm thích hợp.
Vị của cà phê Robusta nằm khoảng trung bình đến rất gắt. Người ta nói rằng chúng có mùi khá gắt và vị thì giống như bột yến mạch. Khi ngửi hạt cà phê Robusta chưa rang bạn sẽ cảm thấy mùi hương thân thuộc, khá giống với mùi đậu phộng tươi. Nếu là cà phê Robusta nguyên chất, rang mộc, bạn có thể ngửi thấy mùi thơm thoang thoảng rất hấp dẫn. Khi được rang chín, hạt Robusta có mùi hơi khét nồng.

Hạt Cà Phê Robusta có hình hơi tròn, không dài, rãnh thẳng
Bởi những đặc điểm trên, cà phê Robusta luôn bị đánh giá thấp hơn về hương vị so với Arabica. Tuy nhiên thực tế cho thấy, sự so sánh luôn khập khiễng bởi có tới hơn 200 loại cà phê trên thế giới được xếp vào 2 nhóm chính Robusta và Arabica. Nếu dùng phương pháp chế biến ướt đối với hạt cà phê Robusta thì cho phẩm chất cao hơn cả một số giống Arabica thông thường. Do vậy mọi sự so sánh chỉ mang tính tương đối.
Robusta có hương vị đậm đà hơn hẳn so với Arabica. Hàm lượng cafein của Robusta trung bình cao gấp đôi so với hạt cà phê Arabica, trung bình từ 2 – 2,5%, trong khi đó hàm lượng trong Arabica chỉ là 1,1 – 1,5%. Để cân bằng giữa hương vị, tạo lớp crema hấp dẫn, người ta thường phối trộn 2 loại hạt này với tỷ lệ nhất định. Xu hướng uống cà phê thời gian gần đây của thế giới có sự thay đổi, tỷ lệ pha trộn hạt cà phê Robusta đã tăng lên nhiều.
4. Cà phê Robusta – linh hồn của cà phê Việt
Việt Nam là nước đứng thứ hai về xuất khẩu cà phê trên thế giới. Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng về cà phê Robusta, Việt Nam lại vươn lên đứng vị trí thứ nhất, chiếm gần một nửa sản lượng cà phê Robusta trên thế giới.

Bởi thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam ta điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp để gieo trồng giống cà phê này. Nhờ món quà ấy, đã hình thành nên sự thay đổi xu hướng thưởng thức cà phê và nhìn nhận giá trị của cà phê Robusta lên cao, khiến cả thế giới thay đổi cách nhìn đối với Việt Nam – quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta số 1. Gần 90% diện tích trồng cà phê ở Việt Nam dành ra để trồng giống cà phê Robusta. Những loại cà phê Robusta ngon nhất được trồng ở một số vùng như Lâm Đồng, Đắc Lắc,… Bởi vậy, Robusta được coi là giống cà phê đặc trưng của văn hóa cà phê Việt.
Tìm hiểu thêm về Nguồn gốc cà phê Việt Nam tại đây:https://vsca.vn/cau-chuyen-ve-nguon-goc-ca-phe-viet-nam/?lang=vi
Và nhiều kiến thức về cà phê hay tại đây: https://vsca.vn/?lang=vi