THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA VIỆT NAM

0
604

THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA VIỆT NAM

Tại Việt Nam, cà phê không chỉ là một cây trồng đem lại giá trị kinh tế cho người nông dân và giá trị xuất khẩu cho quốc gia, mà còn là một vật phẩm có tính văn hóa sâu sắc, chứa đựng những triết lý sống tinh tế của người Việt Nam, đồng thời ghi dấu sự đan quyện giữa nền văn minh phương Tây và phương Đông. Vì thế, cà phê vừa là hàng hoá, vừa là một biểu tượng mang tính văn hoá độc đáo của dân tộc Việt Nam.

Cà phê – Sản phẩm quan trọng trong ngành nông nghiệp Việt Nam

Việt Nam là quốc gia có khí hậu thuận lợi, đất đai trù phú. Nhờ đó, hạt cà phê Việt Nam thơm ngon đặc biệt. Sau chiến tranh Việt Nam 1975, từ một quốc gia nghèo nàn thiếu đói, nhờ vào cây cà phê, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông nghiệp mạnh trong khu vực, đặc biệt là quốc gia lớn thứ 2 thế giới về cà phê, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Cà phê là một trong những ngành có đóng góp quan trọng nhất cho doanh thu của nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng và cho toàn bộ GDP quốc gia nói chung. Ngành công nghiệp cà phê đã tạo ra hơn nửa triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, đồng thời là sinh kế chính của hàng ngàn hộ gia đình trong các khu vực sản xuất nông nghiệp. Giá trị xuất khẩu cà phê thường chiếm khoảng 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản và tỷ trọng cà phê luôn vượt trên 10% GDP nông nghiệp trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, do chủ yếu xuất khẩu thô và chưa có nhiều thương hiệu lớn nên hiện tại, cà phê Việt Nam mới chỉ được biết đến như một nguồn cung nguyên liệu thô và giữ một vai trò nhỏ trên thị trường thế giới, cho dù trong hơn 2,25 tỷ tách cà phê được tiêu thụ trên toàn thế giới hàng ngày chắc chắn phải có hạt cà phê đến từ Việt Nam.

Những vùng đất vàng trồng hạt cà phê- Phần 1

Năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng kế hoạch phát triển cà phê với tầm nhìn đến năm 2030 nhằm quản lý bền vững các nguồn lực kinh tế và môi trường cho ngành cà phê, tăng thu nhập xuất khẩu và đảm bảo sản xuất ổn định. Kế hoạch này bao gồm các mục tiêu kinh tế cụ thể cho hiệu suất của ngành, như tăng cường xử lý chuyên sâu cho giá trị gia tăng để đạt doanh thu xuất khẩu 6 tỷ USD trong thập kỷ tới. Đồng thời đặt ra các mục tiêu môi trường cụ thể, bao gồm giới hạn canh tác cà phê trên toàn quốc ở mức 600.000 ha, thay thế cây cà phê năng suất thấp cũ bằng các giống mới cho năng suất cao hơn và có khả năng kháng sâu bệnh tốt hơn, phân vùng lại cà phê và tiết kiệm nước phương pháp tưới, cũng như thiết lập các tiêu chuẩn an toàn và môi trường mới cho phân bón và thuốc trừ sâu.

Với chiến lược quốc gia, ngành công nghiệp cà phê Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển với nhiều thành tựu lớn về số lượng và chất lượng sản phẩm, duy trì vị thế là một cường quốc cà phê, đảm bảo điều kiện bứt phá về sản xuất và xuất khẩu cho tương lai.

Khi một đồ uống trở thành một biểu tượng văn hoá

Bên cạnh ý nghĩa kinh tế, lịch sử cà phê ở Việt Nam luôn phản ánh cách người Việt Nam định vị bản thân trong thế giới hiện đại. Nếu như thế giới có 3 làn sóng cà phê thì Việt Nam cũng có một lịch sử phát triển và thưởng thức cà phê tuy không dài nhưng cũng tạo thành các làn sóng với những đặc trưng thú vị, gắn liền với lịch sử của đất nước cùng những thay đổi trong lối sống của người Việt, sự giao thoa theo thời gian giữa các giá trị địa phương, quốc gia, khu vực, và toàn cầu.

Ở Việt Nam, cà phê là biểu tượng của lòng hiếu khách, sự tinh tế và hào phóng. “Đi cà phê nhé” là lời mời quen thuộc ở cả những người lạ lần đầu gặp gỡ hay những người bạn thân thiết lâu năm. Khi thực hiện lời mời này, có thể họ không thực sự uống cà phê, mà dùng một thức uống khác như trà, nước trái cây… vì thế, khái niệm “đi cà phê” mang yếu tố biểu tượng rất cao. Tại các thành phố lớn hay vùng quê, mọi con đường ngõ ngách đều có những quán cà phê lớn nhỏ, theo từng phong cách vùng miền. Quán cà phê đó có thể là một sản phẩm franchised của một thương hiệu lớn, cũng có thể chỉ là ngôi nhà kiêm nơi kiếm kế sinh nhai của người dân địa phương, hoặc một chiếc xe đẩy với một vài bộ bàn ghế đơn giản đặt ở góc đường. Chính sự hiện diện phong phú của các kiểu quán cà phê ở Việt Nam nên nó đã dần được ký hiệu hoá để trở thành một nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi dễ tìm dễ nhớ để thực hiện những cuộc hẹn hò, gặp mặt. Nhiều hợp đồng, nhiều mối quan hệ thường được bắt đầu từ những tách cà phê. Trong lúc chờ đợi, người ta ngồi thư giãn, ngắm những giọt cà phê rơi từ phin xuống tách và suy nghĩ, chiêm nghiệm thêm rất nhiều triết lý về cuộc sống. Vì thế, “ly cà phê’, “quán cà phê”, “giọt cà phê” là những từ ngữ rất phổ biến trong hàng ngàn bài hát, bài thơ, tiểu thuyết của người Việt Nam trong vòng khoảng 1 thế kỷ qua. Cà phê gắn liền với những tình cảm, với cuộc sống của người dân Việt Nam theo những thăng trầm lịch sử là cách nói văn chương nhưng vẫn chứa những sự thật.

Cà phê không chỉ là thức uống mà là nơi tụ hội trò chuyện
Cà phê không chỉ là thức uống mà còn là nơi tụ hội trò chuyện

Đối với người Việt Nam, giá trị quốc gia, dân tộc là một khái niệm trừu tượng được yêu thích, và nó có thể hiện diện trong cả hoạt động kinh doanh, sản xuất của nhiều mặt hàng, trong đó có cà phê. Với một số thương hiệu, giá trị dân tộc, thương hiệu quốc gia không chỉ là từ khoá trong chiến lược kinh doanh của họ mà còn là vấn đề của đạo đức xã hội. Trong chuỗi giá trị cà phê toàn cầu, người nông dân từ các nước thuộc thế giới thứ ba như Việt Nam luôn phải làm việc vất vả nhất, nhưng lại hoàn toàn không có quyền kiếm soát nào đối với giá cà phê. Tương tự như vậy, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp cà phê nguyên liệu cho toàn thế giới, nhưng Việt Nam gần như bị loại trừ khỏi thị trường màu mỡ của cà phê chế biến vốn luôn bị những doanh nghiệp toàn cầu thống trị.

Nhận thức rõ thực tế bất lợi này, các thương hiệu cà phê Việt Nam đã và đang không ngừng nỗ lực kết nối với các cộng đồng địa phương cũng như các cơ quan chính phủ để xây đắp một vị thế xứng đáng cho cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp cà phê Việt Nam không chỉ hướng tới lợi nhuận thuần túy, mà luôn tìm cách cải tiến chiến lược của mình để tạo ra những sân chơi có lợi cho mọi bên, bao gồm người nông dân, khách hàng, nhà phân phối và toàn ngành cà phê Việt Nam nói chung. Lợi ích quốc gia và sự thịnh vượng chung của toàn ngành cà phê Việt Nam chính là mục tiêu phát triển mang tính bền vững của các nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê nội địa.

Đơn giản đến dung dị trong thói quen thưởng thức cà phê
Đơn giản đến dung dị trong thói quen thưởng thức cà phê

Với Việt Nam, cà phê không chỉ là một loại hàng hóa vô hồn. Cà phê là lịch sử, là văn hóa, là cảm hứng và cũng là trách nhiệm mà các nhà sản xuất cà phê muốn khai thác và xây dựng lên thành một sản phẩm biểu tượng mang tính quốc gia. Vì thế, để gắn kết được cà phê với thương hiệu quốc gia Việt Nam, các nhà sản xuất nội địa đang nỗ lực sản xuất, tiếp thị, tìm ra chiến lược riêng cho mình trong tổng thể chiến lược quốc gia, đồng thời tìm kiếm mọi cơ hội với đối tác quốc tế để có thể nâng cao giá trị cà phê Việt Nam trên đủ các phương diện kinh tế và văn hoá.

Nguồn: https://primecoffea.com/nganh-ca-phe-viet-nam-hanh-trinh-ba-thap-ky.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here