TÍN HIỆU ĐÁNG MỪNG QUA CUỘC THI CÀ PHÊ ĐẶC SẢN VIỆT NAM

0
411

 

Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2021 có 41 đơn vị tham gia, với 74 mẫu cà phê dự thi. Ban tổ chức đã trao 6 giải ở hạng mục cà phê Robusta và Arabica. Cùng với sự gia tăng mạnh về số lượng mẫu cà phê đạt tiêu chuẩn đặc sản, sản lượng cà phê đặc sản cũng gia tăng 85% so với năm 2020 báo hiệu một tương lai khả quan những năm tiếp theo

Các mẫu cà phê đặc sản dự thi tăng về số và chất lượng

Ngày 22/10, Ban tổ chức Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2021 đã tổ chức lễ trao giải và phát động cuộc thi 2022 theo hình thức trực tuyến.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao 6 giải cho các đơn vị có sản phẩm đạt trên 80 điểm theo thang điểm cà phê đặc sản quốc tế.

Trong đó, sản phẩm cà phê Robusta của HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu (tỉnh Đăk Lăk) đạt tóp 1; top 2 thuộc về Công ty TNHH Mori Cà phê (tỉnh Gia Lai); top 3 là Công ty TNHH Thương mại Phúc Minh (tỉnh Đăk Lăk).

Đối với sản phẩm cà phê Arabica, Công ty TNHH Pun Coffee (tỉnh Quảng Trị) đạt top 1; top 2 là Nhóm cà phê đặc sản Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị); top 3 là Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Việt Nam (tỉnh Kon Tum).

Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2021 có 41 đơn vị tham gia, với 74 mẫu cà phê dự thi (tăng 34% so với năm 2020). Trong đó có 45 mẫu cà phê Robusta và 29 mẫu cà phê Arabica.

Vòng loại và chung kết diễn ra từ ngày 20 đến 27/4/2021, Ban giám khảo cuộc thi đã chọn được 48 mẫu đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản (từ 80 điểm trở lên), chiếm 65% tổng số mẫu dự thi. Cùng với sự gia tăng mạnh về số lượng mẫu cà phê đạt tiêu chuẩn đặc sản, sản lượng cà phê đặc sản cũng gia tăng 85% so với năm 2020.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã phát động Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2022. Thời gian đăng ký dự thi là từ ngày 15/2 đến 25/3/2022; công bố kết quả và trao giải vào ngày 30/4/2022.

Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2022 có những điểm mới như: số lượng giám khảo nhiều hơn, phiên thử nếm tại các điểm được diễn ra đồng thời và phát trực tuyến, thành lập Ban kỹ thuật độc lập hỗ trợ kỹ thuật cho Ban tổ chức. Ngoài ra, cuộc thi năm 2022 không tổ chức đánh giá tập trung tại một điểm, tập trung đông người mà đánh giá tại những nơi có phòng thí nghiệm và đơn vị thử nếm chuyên nghiệp được uỷ quyền của Hiệp hội Cà phê thế giới làm việc thử nếm cà phê tại Việt Nam.

Tín hiệu đáng mừng của cà phê đặc sản Việt Nam

Sự gia tăng về số và chất lượng mẫu cà phê đặc sản thể hiện ở cuộc thi năm nay không chỉ đơn thuần là những số liệu khô khan. Đó là tín hiệu cho thấy trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid cà phê đặc sản vẫn có những phát triển mạnh mẽ, xứng đáng được coi là sản phẩm có tác dụng dẫn dắt chất lượng ngành cà phê, đáp ứng nhu cầu cà phê đặc sản ngày càng tăng ở các thị trường xuất khẩu và nội địa; đồng thời nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh sản phẩm cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới, góp phần phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam.

Mới đây, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk, thuộc Tỉnh ủy Đắk Lắk quản lý) đã xuất khẩu thành công một container gần 20 tấn cà phê đặc sản sang Anh. Loại cà phê đặc sản này được xử lý theo tiêu chuẩn quốc tế, có giá trị hơn các chủng loại thông thường, hơn 5 USD/kg. Đối tác ở Anh sau một thời gian nắm bắt, tìm hiểu sản phẩm này đã chấp nhận đặt hàng với số lượng lớn. Tổng giá trị lô hàng lần này vào khoảng 100.000 USD, dự kiến đầu tháng 9 đến nước Anh.

Nhiều chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao cũng như phát triển cà phê đặc sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa quyết định dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu với tổng mức đầu tư là 440 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước. Trong số đó, có hợp phần đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao vùng Tây Nguyên tại Gia Lai, Đắk Lắk.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phê duyệt Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021- 2030. Đề án được triển khai tại 8 tỉnh gồm: Điện Biên, Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Quảng Trị với tổng diện tích gần 19.000 ha. Trong số đó, giai đoạn 2021 – 2025, diện tích cà phê đặc sản đạt 11.500 ha, chiếm khoảng 2% tổng diện tích cà phê. Giai đoạn 2026-2030, tổng diện tích đạt gần 19.000 ha, chiếm khoảng 3% diện tích cà phê Việt Nam.

Không những thế, các địa phương cũng đã có những quyết sách tiếp sức cho cà phê. Mới đây, tỉnh Đắk Nông mới đây quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 3 tiểu dự án nâng cấp đường giao thông phục vụ phát triển bền vững cà phê tại các xã Đức Mạnh, Đắk Sắc, Long Sơn (huyện Đắk Mil); xã Quảng Khê (huyện Đắk G’Long); xã Đắk Nia và các phường Nghĩa Trung, Nghĩa Đức (thành phố Gia Nghĩa). Tổng vốn đầu tư của 3 dự án hơn 82 tỷ đồng.

Đắk Lắk cũng đang xây dựng các chính sách cải thiện môi trường đầu tư để thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư mới tham gia vào chuỗi sản xuất cà phê chất lượng cao, có chứng nhận như UTZ, 4C, Rainforest Alliance, Fairtrade, cà phê đặc sản, cà phê hữu cơ…

Tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 97.000 ha cà phê; trong đó, hơn 34.000 ha sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, hữu cơ… Để thúc đẩy ngành hàng cà phê phát triển, tỉnh đã xây dựng một số cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm xuất khẩu nhằm gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa. Bên cạnh đó, việc thu hút các dự án sản xuất, chế biến cà phê hòa tan, cà phê bột để nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh.

Sẽ có nhiều mẫu cà phê đặc sản chất lượng cao ở kì thi năm sau

Ngoài những tín hiệu đáng mừng kể trên, cà phê đặc sản còn ghi nhận những tín hiệu đáng mừng từ thị trường. Theo những nghiên cứu gần đây nhất, xu hướng dùng cà phê năm 2021 không nằm ngoài làn sóng sử dụng thực phẩm vì sức khỏe. Cùng với sự phục hồi và dần tăng trưởng hậu dịch của ngành, người tiêu dùng đang tìm kiếm những sản phẩm mang tính bền vững.

Ed Buston Một chuyên gia về cà phê của Clifton Coffee Roasters cho rằng người tiêu dùng ưu tiên cà phê đơn giản, chất lượng cao. Việc tập trung sản xuất và phân phối cà phê đặc sản sẽ làm cho sản phẩm của phân khúc cà phê này cải thiện được chất lượng theo tiêu chuẩn riêng sẵn có, từ đó tiêu chuẩn của các quán cà phê tăng lên và thu hút được người tiêu dùng. Các chuyên gia cũng nhận định trong khi thị trường cà phê truyền thống đã tương đối bão hòa thì thị trường cà phê đặc sản, và cà phê hữu cơ vẫn đang tiếp tục tăng trưởng và còn nhiều cơ hội.

Với những tín hiệu đáng mừng và sự quyết tâm như vậy, chắc chắn tại Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2022 sẽ chứng kiến nhiều hơn những mẫu cà phê đặc sản tham gia với chất lượng cao. Ba năm liên tiếp (2019,2020 và 2021) tổ chức cuộc thi đã đánh dấu một thời kỳ mới của ngành cà phê Việt Nam: chính thức phát triển cà phê đặc sản, giới thiệu kết nối đến các nhà rang xay trong và ngoài nước, tham gia thị trường cà phê đặc sản thế giới và bước đầu đã tạo được giá trị gia tăng cho cà phê Việt Nam.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here