VĂN HÓA CÀ PHÊ – TẤM LÒNG NGƯỜI ĐÀ LẠT

0
712

Không chỉ đơn thuần là một loại thức uống, cà phê Đà Lạt đã trở thành “đặc sản văn hóa” của phố núi. Bề dày lịch sử, không gian độc đáo cùng thói quen kinh doanh, thưởng thức tao nhã đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của cà phê Đà Lạt.

Đà Lạt không chỉ nổi tiếng khi sở hữu muôn vàn vẻ đẹp quyến rũ khiến biết bao du khách xiêu lòng, cùng khí hậu mát mẻ quanh năm, và những điểm tham quan lý thú mà còn được biết đến bởi nơi đây là thủ phủ của nhiều loại cà phê và văn hóa cà phê thanh tạo nhẹ nhàng của riêng mình.

Vùng nguyên liệu cà phê nổi tiếng

Đã từ lâu, cà phê Đà Lạt là thứ nổi tiếng đến nỗi, hễ cứ nhắc đến Đà Lạt có gì nhiều thì người ta sẽ nghĩ ngay đến cà phê đầu tiên. Tuy Đà Lạt không phải là vùng chuyên canh cây cà phê, nhưng nơi đây rất phù hợp để trồng loại cây này nhờ vào khí hậu nhiệt đới và đất đỏ bazan màu mỡ.

Với độ cao trên 1500m, khí hậu mát mẻ cùng đất đỏ bazan màu mỡ, Đà Lạt là vùng đất “cư ngụ” lý tưởng và thích hợp để trồng cà phê có chất lượng được đánh giá ngon nhất nhì thế giới. Hiện nay, có 3 loại cà phê Đà Lạt được nhắc đến như một loại cà phê đặc sản tại là cà phê Arabica, cà phê chồn Đà Lạt và cà phê Lâm Đồng.

Cà phê Arabica Đà Lạt. Là một trong những niềm tự hào của Việt Nam ta bởi được “ông lớn” Starbucks công nhận là một trong 7 loại cà phê ngon nhất thế giới. Thêm nữa, thương hiệu nổi tiếng này còn cho biết sẽ bán loại cà phê Arabica của Đà Lạt cho hơn 21500 cửa hàng tại 56 quốc gia trên thế giới đó!

Đặc biệt hơn, Moka Cầu Đất được mệnh danh là “nữ vương” của Arabica khi có hương vị thơm rất đặc trưng. Đó là vị thơm thanh tao hơn bất kì loại cà phê nào, và đặc biệt khi uống, bạn sẽ cảm thấy hơi tê tê đầu lưỡi. Nếu bạn là một người “nghiện” cà phê nặng sẽ khó mà bỏ qua Moka Cầu Đất – cà phê Đà Lạt này đó!

Cà phê chồn Đà Lạt. Có lẽ bạn đã biết, cà phê chồn được liệt vào danh sách những thức uống thơm ngon, và quý giá trên thế giới. Có lẽ nhờ vào điều kiện khí hậu mát mẻ, cùng thổ nhưỡng phì nhiêu, nên Đà Lạt rất thích hợp để trồng cà phê, trong đó có cà phê chồn – cà phê Đà Lạt.

Cà phê và chồn nghe có vẻ không liên quan gì nhau lắm, nhưng thật ra khi kết hợp với nhau lại tạo ra hương vị rất lạ và độc đáo. Chồn là loài vật thường ăn quả cà phê chín, hạt không tiêu nên thải ra ngoài. Sau đó người nông dân lại lượm hạt và mang đi chế biến cà phê.

Hầu hết với những người có “gu” uống cà phê mạnh, thì họ sẽ chọn uống ly cà phê chồn không đường, không đá nguyên chất để có thể cảm nhận hết toàn bộ hương vị bùi bùi của đất, đậm đà, nhưng lại dìu dịu, quyện lại trong đầu lưỡi, khiến người uống phải thốt lên công nhận đó là thứ cà phê ngon có một không hai trên thế giới.

Cà phê Lâm Đồng – Cà phê Đà Lạt. Không chỉ Arabica và cà phê chồn, mà Đà Lạt còn nổi tiếng với cà phê Lâm Đồng. Đây là loại cà phê Đà Lạt được chế biến theo quy trình hiện đại, khép kín, được kiểm soát chặt chẽ, rang xay nguyên chất. Ngoài ra, vị cà phê Lâm Đồng cũng có chút riêng biệt do thổ nhưỡng bazan màu mỡ và khí hậu phù hợp, đã cho ra đời loại cà phê chất lượng thơm ngon, làm say lòng những người thưởng thức khó tính nhất.

Văn hóa cà phê – Tấm lòng người Đà Lạt

Thật hiếm có một thành phố nào mà số lượng cũng như mật độ quán cà phê lại nhiều và dày đặc như ở Đà Lạt. Đi trên những con phố chính, cách khoảng vài chục mét khách có thể gặp một quán cà phê. Cà phê “bệt”, cà phê “cóc” đơn sơ nơi góc phố với bộ bàn ghế nhỏ, giá rẻ, phù hợp với giới bình dân, người lao động, ít có thời gian; cà phê biệt thự sang trọng, lịch lãm dành cho những người rảnh rỗi, có điều kiện hoặc muốn tìm một không gian lãng mạn; cà phê phòng trà dành cho người yêu âm nhạc, giới văn nghệ sĩ; cà phê sân vườn thoáng đãng thích hợp với những ai yêu thiên nhiên, hoa cỏ.

Với lịch sử hình thành của mình, Đà Lạt cho người ta nhận ra văn hóa châu Âu, điển hình là văn hóa Pháp thấp thoáng trong văn hóa Đà Lạt. Thú uống cà phê hình như cũng có dáng dấp của văn hóa Pháp. Những quán cà phê lịch lãm, lâu đời là nơi gặp gỡ của giới trí thức, văn nghệ sĩ, những nhà báo, kể cả những nhà hoạt động chính trị… Ở đó họ thường ngồi hàng giờ để đàm luận về các đề tài chính trị, những đề tài về văn chương, về nghệ thuật kể cả những tin tức thời sự nóng hổi. Đã có nhiều tác phẩm văn học – nghệ thuật được ra đời từ quán café…

Phong cách thì như vậy, nhưng Cà phê ở Đà Lạt lại không uống loãng như người Âu, mà rất tình cờ người ta uống café đậm đặc theo cái gu (gout) của người Thổ Nhĩ Kỳ, một sự trùng hợp thú vị. Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước xuất xứ của café, người Thổ Nhĩ Kỳ có câu tục ngữ  khá hay: “Café phải đen như địa ngục, phải đắng như tử thần và ngọt ngào như tình yêu (Coffee should be black as Hell, strong as Death and sweet as Love)”.  Người Đà Lạt cho rằng phải uống café như thế mới đã!

Người Đà Lạt cà phê cũng tao nhã, nhẹ nhàng như chính không khí mát mẻ ở nơi họ ở. Khi chung vui với bạn bè là đi uống cà phê, cần trao đổi công việc hoặc bàn bạc chuyện kinh doanh thì mời đi café, tiếp một người bạn ở xa đến thăm: café nhé! Cà phê như một nét văn hóa trong giao tiếp. Trong bầu không khí se lạnh của cao nguyên, con người hòa vào với thiên nhiên, ngồi chuyện trò với nhau bên ly cà phê nóng bốc khói thơm lừng thật thú vị, thật sảng khoái  mà khó có nơi nào có được. Vào quán cà phê người Đà Lạt thường ăn mặc tươm tất,  không khí trong quán trầm lắng với tiếng nhạc nhè nhẹ.

Những người phương xa tới Đà Lạt cũng cảm nhận được nét tao nhã, tinh tế nhẹ nhàng đó của Người Đà Lạt. Khi nâng ly cà phê, người ta cảm nhận cuộc sống trọn vẹn nhất. Đó có thể là một cảm giác trở về chốn yêu thương nào đó của miền ký ức! Là cảm giác đang trở về với vòng tay mẹ hiền của thời ấu thơ! Hoặc có thể đang nhớ về một mối tình đẹp đã đi qua trong đời! Cũng có thể hoài niệm về một thời chinh chiến năm xưa hay đang suy tư về một kế hoạch cho tương lai, một tác phẩm đang nung nấu trong lòng….Văn hóa cà phê Đà Lạt vì thế cũng đẹp như tấm lòng người Đà Lạt vậy.

(Nguồn: Tổng hợp)

Đọc thêm nhiều bài hay về cà phê tại đây :  https://vsca.vn/?lang=vi

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here